Tôi thích anh Tâm hát, không có nghĩa là người khác hát không hay. Mà ở đây, có bao giờ bạn có cái cảm giác đứa con của mình sinh ra, mình khao khát và mong muốn nó như thế. Bỗng một hôm, do hoàn cảnh, người khác trông nom nhờ. Nó vẫn lớn phổng phao đấy, nhưng hoàn toàn không như mình muốn. Đương nhiên là mình không thể trách người trông nom hộ. Nhưng mình vẫn muốn một ngày nào đó, nó trở lại đúng như đứa con mà mình mong muốn. Và đứa con Giấc mơ mùa thu ấy của tôi chính là bản thu của anh Tạ Minh Tâm.
Giấc mơ mùa thu (sáng tác và hòa âm: Võ Thiện Thanh, trình bày: NSND Tạ Minh Tâm)
“Ngày đầu tiên đến trường” của Giấc mơ mùa thu là bản thu của Mỹ Tâm tại Viết Tân studio do chính tôi hòa âm. Vì là tôi phối, nên Tâm hát đúng nốt, nhưng khá nhạt. Cũng đúng thôi, vì Tâm lúc đó đã có trải nghiệm gì đâu…
Khi Giấc mơ mùa thu lên “tiểu học”, thì một biến cố xảy ra, kéo theo hàng loạt sai lầm về sau, vì ai cũng chiếu theo bản thu của Lệ Quyên để làm mẫu. Mà Lệ Quyên thì lại hát sai những nốt hay nhất, và quan trọng nhất của Giấc mơ mùa thu: hai cái nốt thăng trong điệu thứ giai điệu bậc 4 lại bị kéo xuống thành nốt bình, rồi nốt thăng biến âm ở bậc 4 lại thành nốt bình luôn. Thành ra chỗ “tôi còn nhớ ai… mỗi khi chiều rơi” hoà âm lẽ ra phải bậc 7 để hút về bậc 5 thì hầu hết trên mạng chỗ “ai” thành hòa âm thứ bậc 4, giảm rõ sức hút hấp dẫn của giai điệu và hòa thanh.
Cũng không trách Lệ Quyên được, mà phải trách người sản xuất cho album này. Lẽ ra anh phải kiệu cho đúng nốt. Vì điệu thứ giai điệu, nếu không để ý sẽ có xu hướng hát thành nốt bình cho dễ. Ca sĩ không qua trường lớp thường khó ý thức chuyện này (tôi thắc mắc khi thu thì ai kiệu cho Quyên?, và nốt sai là do người phối hay ca sĩ?).
Rồi thì kể từ đó, Giấc mơ mùa thu bắt đầu được biết nhiều qua giọng hát Lệ Quyên. Ai cũng tấm tắc khen. Còn riêng tôi, mang nỗi buồn “điệu thứ giai điệu và nốt thăng ở bậc 4”. Chính những nốt này làm nên bản sắc âm nhạc của Giấc mơ mùa thu, mà lại bị hát sai. Thành ra, tôi cứ đau đáu hoài là một ngày nào đó, tôi phải mang lại hình hài ban đầu cho bài hát. Và rồi ngày đó cũng đến: đó chính là bản thu của anh Tạ Minh Tâm. Vì sao? Vì tôi đích thân hòa âm lại, kiệu ca và anh Tâm cũng là một người kinh viện, nên quá hiểu rõ thang âm điệu thức.
Tôi biết rằng do người nghe đã quen cái sai, thì bản thu đúng cũng không phải dễ để họ chấp nhận. Khổ thế! Quen ăn bột ngọt rồi, tự dưng ăn mộc nó rất khó. Đi ngược chiều quen, đi đúng thành khó.
Vì tôi là cha đẻ của Giấc mơ mùa thu, nên tôi hiểu rõ con mình. Nó không phải sướt mướt và lụy như thế. Nó phải khóc mà không có ra nước mắt. Nó buồn nhưng không lụy. Vì càng nhớ thương, người ta phải càng mãnh liệt sống!
Có người nhắn cho tôi rằng: “Sao anh Tâm hát mà không thấy não nề!”. Tôi nghĩ thầm: anh ấy hát còn hơn là não nề nữa! Nỗi buồn của anh ấy là của một người đã trải nghiệm hết mọi thứ. Nên là chảy ngược vào trong!
Có người tỏ ra hiểu biết hỏi cắc cớ: “Bài này có giống nhạc Nga không anh?”. Tôi hỏi lại: “Cái điệu thứ giai điệu nó từ Việt Nam hay từ Nga vậy em?”.
Lại có người nói: “Anh Tâm hát bị cứng! Mà cố làm cho mềm”. Tôi thì hiểu, một chiến binh, giọng hát anh ấy, đã quen với những tráng ca, sao có thể mềm như một ca sĩ trữ tình chứ!
Nhưng rồi một ngày, có người cựu chiến binh láng giềng của tôi nói bác ấy thích Giấc mơ mùa thu. Tôi liền cho bác ấy nghe bản thu của anh Tâm. Nghe xong bác liền nói: “Hình như tôi cảm thấy anh ấy vừa hát vừa như muốn khóc?”. Tôi xúc động và thầm nghĩ: “Hay là bác ấy nhớ người vợ quá cố của mình?”. Vì tôi thấy người cựu chiến binh này chỉ sống thầm lặng một mình. Đúng là chỉ có một chiến binh mới hiểu giọng hát của một chiến binh!”.
Mỗi khi thu về là tôi nghe bản thu này. Tôi rất xin lỗi các ca sĩ của những phiên bản trước đây, cùng những ai đã trót yêu những phiên bản ấy. Các bạn không có lỗi! Chỉ là vì tôi muốn trả lại hình hài ban đầu cho đứa con của tôi thôi.
Cảm ơn anh Tạ Minh Tâm rất nhiều! Tôi hiểu vì sao anh lại hát Giấc mơ mùa thu hay như vậy! Chỉ có tôi và người chiến binh già biết tại sao!