Giá dầu thế giới

Theo Oilprice, lúc 5 giờ 45 phút ngày 14-8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 40 cent, tương đương 0,46%, xuống mức 86,41 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ giảm 34 cent, tương đương 0,41%, xuống mức 82,85 USD/thùng.

Giá xăng dầu hạ nhiệt ở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Liệu giá tuần tăng có duy trì được đà tăng? Ảnh minh họa: Foxbusiness 

Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã tăng khoảng 0,5% trong tuần trước, lập kỷ lục 7 tuần tăng liên tiếp kể cuối tháng 2 năm ngoái.

Cả dầu Brent và WTI tuần trước đã có 3 phiên leo dốc và 2 phiên trượt dốc, chịu tác động mạnh bởi các yếu tố chính là triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ, dữ liệu về xuất-nhập khẩu dầu của Trung Quốc, dự trữ xăng-dầu của Mỹ, cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga và báo cáo liên quan đến triển vọng nhu cầu dầu của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 1,9% trong năm nay, tăng so với mức 1,5% trong dự báo trước đó. Cũng theo EIA, dự trữ dầu của Mỹ tăng 5,85 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4-8; dự trữ xăng giảm 2,7 triệu thùng; dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,7 triệu thùng.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, nhưng vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Về tổng thể, trong tháng 7, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 12,4%, cao hơn nhiều so với mức giảm dự kiến là 5%. Xuất khẩu cũng giảm 14,5%, trong khi các nhà kinh tế dự báo giảm 12,5%.

Cũng trong tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7. Theo đó, CPI của Mỹ tăng ở mức vừa phải, 0,2%. CPI tăng 3,2% kể từ tháng 7 năm ngoái. CPI cơ bản trong tháng 7 cũng tăng 0,2% và tăng 4,7% trong vòng 1 năm qua. Báo cáo này cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ đã giảm trong tháng trước. Lạm phát hạ nhiệt cùng với thị trường lao động hạ nhiệt càng củng cố niềm tin của các nhà kinh tế học rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể thực hiện một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, sau một năm lo lắng về suy thoái kinh tế. Kể từ tháng 3-2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chuẩn qua đêm thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25% – 5,50% ở hiện tại để kiềm chế lạm phát.

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo dự kiến của OPEC. Tổ chức này cũng cho biết triển vọng thị trường dầu mỏ có vẻ tốt trong nửa cuối năm nay.

Giá xăng dầu được dự báo vẫn tăng trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: Oilprice 

Đồng quan điểm, IEA cho biết dự trữ dầu toàn cầu giảm, sản lượng từ các thành viên OPEC+ giảm và nhu cầu cao kỷ lục có thể thúc đẩy giá dầu thô trong những tháng còn lại của năm.

Theo IEA, nhu cầu dầu thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và tháng 8 và có thể tăng hơn nữa trong những tháng tới. Điều đó sẽ đẩy nhu cầu trung bình hằng ngày trong năm nay lên 102,2 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-8 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.822 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.993 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 22.425 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 21.889 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.668 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-8 với giá xăng tăng hơn 30 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất là 1.813 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá này, liên Bộ đã quyết định: Không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối với 2 mặt hàng xăng, dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.