Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lường trước rủi ro để quản lý giao dịch tài sản mã hóa

Trong một hội nghị diễn ra gần đây, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, ngay từ những năm 2017, 2018, NHNN đã đưa ra các thông cáo nói rằng, Bitcoin không phải là một phương tiện thanh toán hợp pháp. Đây là một loại tài sản ảo và sẽ được định hướng quản lý như trong dự thảo Luật Công nghiệp và Công nghệ số. Luật NHNN cũng đã quy định rõ rằng, NHNN là đơn vị duy nhất phát hành phương tiện thanh toán và phương tiện thanh toán hiện nay được công nhận là tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng01/04/2025

Thị trường biến động, nhiều bất trắc

Dù chưa được công nhận tại Việt Nam, tuy nhiên, các giao dịch tiền mã hoá vẫn diễn ra sôi động trên các nền tảng phi tập trung, sàn quốc tế và giao dịch ngang hàng. Thị trường tài sản mã hóa đã chứng kiến những biến động mạnh trong thời gian gần đây. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng hồi đầu tháng 3 với việc Bitcoin vượt mốc 95.000 USD, giá các đồng tiền mã hóa chủ chốt như Bitcoin, Ethereum hiện đã điều chỉnh giảm đáng kể. Tính đến ngày 20/3/2025, giá Bitcoin đã lùi về ngưỡng 81.879 USD/BTC. Cùng với đó, thông tin về đồng tiền mã hóa Pi Network được niêm yết trên một số sàn giao dịch quốc tế cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng, làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và giá trị thực sự của đồng tiền này.

Đại diện Bộ Tài chính nhận định, thị trường tài sản mã hóa phát triển không ngừng, ngày càng đa dạng và phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và thị trường tài chính. Do vậy, cần thí điểm cho phép các cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và điều kiện triển khai thực tiễn, giảm thiểu tối đa các hành vi bất hợp pháp, bảo vệ nhà đầu tư, tạo tiền đề để phát triển thị trường này minh bạch, an toàn, bền vững.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công an, NHNN nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính.

Việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam
Việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam

Phối hợp chặt chẽ giữa khung pháp lý và công nghệ

Việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng nhanh với thực tiễn trong khuôn khổ quản lý, giám sát của Nhà nước. Việc thí điểm với quy mô hạn chế, có kiểm soát chặt chẽ sẽ hỗ trợ huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế số; đồng thời giúp cơ quan quản lý có thời gian xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo sự ổn định cho thị trường tài chính - tiền tệ, ông Bùi Hoàng Hải khẳng định.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là chính sách thuế đối với giao dịch tài sản mã hoá. Đại diện Cục Thuế cho biết, hệ thống pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định mang tính bao quát, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán, tiêu dùng trong lãnh thổ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, cá nhân (kể cả trong nước và nước ngoài) có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào các sắc thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản mã hoá vẫn chưa có quy định rõ việc xác định và phân loại các tài sản mã hoá cũng như hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi các loại tài sản này, qua đó làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách thuế tương ứng. Theo đó, pháp luật chuyên ngành về tài sản số cần xác định rõ bản chất, đồng thời cho phép tài sản mã hoá được kinh doanh, mua bán như là một loại tài sản thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định của pháp luật về thuế.

Để quản lý sàn giao dịch tài sản mã hoá hiệu quả, theo Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Phòng, chống khủng bố Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), kinh nghiệm cho thấy, để quản lý hiệu quả các sàn giao dịch tài sản mã hóa, cần có sự kết hợp giữa khung pháp lý chặt chẽ, công nghệ giám sát tiên tiến và sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thực thi pháp luật với các doanh nghiệp vận hành sàn.

Trên cơ sở này, ông Hùng đề nghị thành lập một tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện từ Bộ Công an, NHNN, Bộ Tài chính và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, để giám sát và chia sẻ thông tin về các giao dịch đáng ngờ. Trong đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam có vai trò đào tạo, hướng dẫn về cách nhận diện giao dịch bất thường, sử dụng công nghệ giám sát Blockchain và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, thiết lập một hệ thống giám sát tập trung do NHNN hoặc Bộ Công an vận hành, kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch để thu thập dữ liệu giao dịch và phân tích các mẫu hành vi bất thường. Khuyến khích các sàn phát triển các giải pháp AI để tự động phát hiện các giao dịch có dấu hiệu liên quan đến phạm pháp, chẳng hạn như giao dịch lặp lại với số tiền nhỏ nhưng tần suất cao, hoặc chuyển tiền qua nhiều ví trung gian…

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/luong-truoc-rui-ro-de-quan-ly-giao-dich-tai-san-ma-hoa-162101.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm