Một tuần giằng co
Trong tuần 17-21/6, thị trường chứng khoán ghi nhận sự giằng co và chỉ số VN-Index biến động trong biên độ khá hẹp, thanh khoản giảm. Giới đầu tư chờ đợi những yếu tố hỗ trợ mạnh hơn cho các cổ phiếu dù hiện tại vẫn khá thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận nhiều phiên lao dốc. Vàng miếng SJC trong nước được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn ổn định ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Giao dịch ở thị trường vàng trong nước gần đây khá trầm lắng, người mua và bán đều ít, giá ít biến động. Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm trong ngắn hạn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn trì hoãn giảm lãi suất, chờ thêm tín hiệu suy yếu rõ ràng hơn từ nền kinh tế Mỹ và lạm phát hạ nhiệt thêm nữa, hướng về ngưỡng 2%/năm.
Kênh gửi tiết kiệm được cho là một lựa chọn khá tốt. Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng gần đây dù vẫn ở mức thấp so với vài năm trước. Phần lớn ngân hàng huy động quanh mức 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 5,5-6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Với việc lãi suất huy động nhích lên, dòng tiền có thể chảy vào kênh ngân hàng. Theo số liệu mới nhất NHNN công bố hôm 21/6, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tiếp tục đạt kỷ lục trong tháng 3/2024, với gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Đây cũng là thời điểm nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất sau một năm liên tục hạ lãi suất.
Thị trường bất động sản không có nhiều tín hiệu tích cực về giao dịch khi giá căn hộ tại nhiều thành phố lớn tăng mạnh, đất ven đô thị lớn cũng tăng cao, còn ở các vùng xa giao dịch chưa nhiều.
Thông thường khi hầu hết kênh đầu tư ảm đạm, đặc biệt lãi suất thấp, thị trường chứng khoán sẽ hút dòng tiền. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh từ khối ngoại và sự thận trọng trở lại của các nhà đầu tư trong nước khiến giá cổ phiếu tăng chậm.
Trong tuần 17-21/6, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co. Thị trường giảm nhẹ hơn 5 điểm trong phiên đầu tuần (17/6), hồi phục hơn 4 điểm trong phiên 18/6, sau đó tăng chưa đầy 1 điểm trong phiên 19/6. Trong hai phiên 20-21/6, chỉ số đi ngang.
Dòng tiền đổ vào một số mã có “câu chuyện” như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ, vào NKG (Thép Nam Kim)… sau khi nhà đầu tư đón nhận thông tin Việt Nam bắt đầu điều tra bán phá giá tôn mạ thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tiền sau đó đổ vào cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Cổ phiếu này tăng 42% kể từ tháng 4 nhờ nhu cầu điện tăng cao và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Cổ phiếu cao su cũng tăng mạnh khi giá cao su tăng cao.
VPBank (VPB) cũng tăng điểm nhờ đà phục hồi của khu vực bán lẻ, còn Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh hút dòng tiền sau khi có thông tin tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1. Cổ phiếu FPT tiếp tục ghi dấu ấn nhờ trend AI.
Tính trong cả tuần, VN-Index tăng 0,2% lên 1.282 điểm, HNX-Index tăng 0,2% lên 244,4 điểm và UPCOM tăng 2,6% lên 100,6 điểm. Các cổ phiếu tăng mạnh nhất gồm: Vietnam Airlines (HVN), VPBank, FPT… Ở chiều ngược lại, BIDV, Vietcombank, Vincom Retail (VRE) giảm mạnh.
Thanh khoản tuần này giảm 4,9%, xuống 23.326 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 4.883 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần.
Tuần mới ra sao?
Có thể thấy, dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn khá thận trọng cho dù thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn.
Dòng tiền được dự báo vẫn sẽ vào kênh tiền gửi ngân hàng khi mà lãi suất tiếp tục nhích lên dù không mạnh. Tỷ giá USD/VND ổn định hơn cũng sẽ giúp tổ chức và người dân lựa chọn gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
Dù vậy, kênh chứng khoán được đánh giá sẽ hút tiền với một số thông tin hỗ trợ, trong đó có kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.
Về trung và dài hạn, kênh bất động sản có thể hấp dẫn và hút tiền hơn khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực. Các luật này sẽ giúp khơi thông riêng nguồn lực về đất đai và khơi dậy các nguồn lực khác để cộng sinh với đất đai, thúc đẩy sự phát triển.
Riêng về chứng khoán, thị trường được cho là đang trong giai đoạn tích lũy và đợi chờ những thông tin đủ mạnh hỗ trợ bứt phá. VN-Index tích lũy cả tuần qua nhưng vẫn bám quanh vùng 1.280+/- điểm. Nhiều khả năng sẽ có phiên giao dịch tích cực hơn trong tuần mới để VN-Index có thể dao động một lần nữa tại khu vực 1.290-1.300 điểm.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh và động thái cơ cấu của các quỹ ETF.
Bước sang tuần giao dịch mới, sự chú ý của thị trường sẽ chuyển hướng sang những số liệu vĩ mô quan trọng sắp được công bố, gồm: chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed và số liệu tăng trưởng GDP quý II cùng số liệu CPI tháng 6 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia VNDirect, câu chuyện kết quả kinh doanh quý II cũng sẽ dần được nhắc đến khi một số doanh nghiệp bắt đầu công bố số liệu ước tính. Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý II vẫn sẽ tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Chuyên gia VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index có tiếp tục tích lũy quanh vùng 1.280 điểm trước khi hội tụ đủ xung lực để chinh phục lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm vào đầu quý III.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-vang-lao-doc-chung-khoan-giang-co-dong-tien-di-dau-2294339.html