ANTD.VN – Trong bối cảnh giá vàng thế giới chịu áp lực điều chỉnh do dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến của Mỹ, thì vàng trong nước có xu hướng giằng co song vẫn giữ mặt bằng giá rất cao.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước giảm nhẹ vào đầu phiên nhưng đã hồi phục tăng trở lại trong phiên chiều và chốt phiên với mức tăng khoảng 200 nghìn đồng mỗi lượng.
Bước sang phiên sáng cuối tuần, thị trường kim loại quý lại điều chỉnh trở lại và quay đầu giảm nhẹ 200 – 300 nghìn đồng mỗi lượng.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào – bán ra ở mức 79,00 – 81,50 triệu đồng/ lượng. So với chốt phiên hôm qua, thương hiệu vàng quốc gia đã giảm giá tới 700 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào nhưng chỉ giảm 200 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra, theo đó chênh lệch mua vào – bán ra cũng được nới rộng lên 2,5 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Tập đoàn DOJI, vàng miếng sáng nay giảm 300 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, xuống 79,40 – 81,40 triệu đồng/ lượng.
Bảo Tín Minh Châu giảm 500 nghìn đồng/ lượng chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra, niêm yết tại 79,55 – 81,35 triệu đồng/ lượng; Phú Quý cũng có mức giảm tương tự, xuống 79,50 – 81,40 triệu đồng/ lượng…
Tương tự, PNJ sáng nay cũng giảm 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, niêm yết tại 79,50 – 81,40 triệu đồng/ lượng.
Mặt bằng giá vàng trong nước vẫn rất cao |
Đối với vàng nhẫn, mức giảm vào phiên sáng cuối tuần dao động khoảng 100 – 100 nghìn đồng mỗi lượng.
Theo đó, vàng nhẫn 9999 của SJC đang niêm yết tại 67,65 – 68,85 triệu đồng/ lượng; nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu 68,18 – 69,48 triệu đồng/ lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 68,10 – 69,40 triệu đồng/ lượng…
Trên thế giới, kim loại quý đã chứng kiến phiên giảm thứ ba liên tiếp với mức giảm phiên cuối tuần gần 5,5 USD/ ounce, chốt tuần tại 2.156 USD/ ounce.
Trong tuần trước, giá vàng đã chịu áp lực khi liên tục hai dữ liệu lạm phát quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đều tăng cao hơn dự kiến của giới chuyên gia.
Thông thường, vàng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lạm phát cao, bởi vì nó vốn được coi là tài sản bảo vệ danh mục nhà đầu tư trước lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì lại ngược lại khi lạm phát cao đồng nghĩa với lãi suất cao và đồng USD – vốn có tương quan nghịch với giá vàng – luôn duy trì ở mức cao suốt thời gian dài vừa qua.
Hiện giới đầu tư đang trông chờ lạm phát thực sự giảm xuống mục tiêu 2% mà Fed mong muốn, qua đó sẽ chính thức khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Và với dữ liệu tuần qua, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong mùa hè năm nay là gần như không còn.