Không phải đến bây giờ mà từ thuở sơ khai, con người đã biết sử dụng khoa học công nghệ như một nguồn lực tối quan trọng để phát triển xã hội. Nếu không phát minh ra dụng cụ sản xuất bằng kim loại thì con người mãi sống trong chế độ bộ lạc nguyên thủy. Nếu không phát minh ra các loại máy móc thay thế sức lao động con người thì hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” mãi còn hiện hữu.
Đặc biệt, nếu không phát minh ra các loại thiết bị cực kỳ hiện đại như máy bay, tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, AI… thì thế giới làm sao có thể phẳng như ngày nay, khi mà mọi thứ xảy ra ở bất cứ đâu trên trái đất đều có thể được toàn nhân loại nắm được gần như cùng lúc.
Tại Việt Nam, từ khi còn là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu nhưng phải liên tục trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, lần lượt chống lại những thế lực ngoại xâm mạnh nhất thế giới đương đại như thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ; bên cạnh sự ủng hộ to lớn về vật chất và tinh thần của bè bạn năm châu, nếu không có sự sáng tạo, đột phá không ngừng về khoa học, đặc biệt là áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp để cung ứng lương thực cho tiền tuyến; trong sản xuất vũ khí, đạn dược phù hợp với mô hình chiến tranh du kích mang màu sắc Việt Nam thì chúng ta không thể có nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay.
Sau ngày thống nhất đất nước, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta coi khoa học kỹ thuật là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) khẳng định khoa học công nghệ là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) và IX (2001) coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội X (2006) nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế tri thức. Đại hội XI (2011) đề ra đường lối đổi mới đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đó, với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ bắt nguồn từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện.
Như vậy, dù biết giá trị và tầm quan trọng cũng như nguyên nhân tồn tại, hạn chế nhưng làm sao để đưa khoa học công nghệ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần phải luôn quán triệt quan điểm xem đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng, có thua.
Về hành động, cần xác định rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung bốn việc quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ, đủ năng lực để đột phá và đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Cụ thể là phải thống nhất cả trong nhận thức và hành động. Trong đó xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách càng sớm càng tốt để tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá. Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, lập các quỹ khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ; tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải; đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo…
Quang Nam
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126467/Gia-tri-cua-khoa-hoc-cong-nghe
Bình luận (0)