Tăng cường hợp tác thương mại, dịch vụ Việt Nam – Thuỵ Điển thông qua Viet Nam International Sourcing 2023 và EVFTA Chuỗi sự kiện đặc biệt chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9 và 55 quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển |
Tham dự diễn đàn có ông Trần Văn Tuấn – Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm nhiệm Cộng hòa Latvia; bà Camilla Mellander – Tổng vụ trưởng Chính sách Thương mại, Bộ Ngoại giao Thụy Điển; ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng; Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cùng nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Thụy Điển.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu) |
Gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư sau 55 thiết lập quan hệ ngoại giao
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, diễn đàn ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2024) và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển (1969 – 2024). Đại sứ kỳ vọng rằng, Diễn đàn này sẽ mang lại những kết quả thiết thực giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp hai nước hiểu biết thêm về nhau, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực đang được cả thế giới quan tâm hiện nay là: Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng và Đổi mới sáng tạo.
Đại sứ Trần Văn Tuấn phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu) |
Đại sứ Trần Văn Tuấn chỉ rõ, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, mức tăng trưởng GDP trong 10 năm qua trung bình đạt 6,1%, nằm trong số 20 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF. Các tổ chức quốc tế cũng tiếp tục đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó IMF, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2024 và từ 6,2% – 6,5% trong năm 2025.
Một điều đáng chú ý là chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo đang dần trở thành các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam, năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và có tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 20%; kinh tế xanh gắn với chuyển đổi năng lượng, tuy mới đóng góp khoảng 2% tổng GDP cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng rất nhanh, đạt khoảng 10%/năm. Như vậy, lĩnh vực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (bao gồm chuyển đổi năng lượng) có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2-4 lần.
Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng về chuyển đổi số. Nền kinh tế số Việt Nam ước tính sẽ đạt trị giá khoảng 220 tỷ USD vào năm 2030, 72 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, trung bình mỗi người Việt Nam đang tiêu hết 288 USD/năm để mua sắm trực tuyến.
Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió. Theo tính toán của WB, hơn 39% tổng diện tích Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm đạt trên 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất điện 512 GW.
Kinh tế Việt Nam cũng đang dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thông qua các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp như trên, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết tâm và nỗ lực để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng….
Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với bề dày lịch sử 55 năm. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức quý báu cả về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Sau khi quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng, cùng có lợi vào năm 2013, thương mại song phương có những phát triển tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 1,29 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 695,9 triệu USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023). Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, ngược lại, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại Đông Nam Á.
Về hợp tác đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 6/2024, Thụy Điển có 111 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 742,65 triệu USD, xếp thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có dự án đầu tư đầu tiên tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư từ năm 2019 đến nay khoảng 5,2 triệu USD.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trao đổi thương mại – đầu tư như vậy còn khá khiêm tốn so với tiềm năng cũng như quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia. Hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo. Việt Nam có thị trường lớn và nhu cầu lớn, còn Thụy Điển có trình độ khoa học – công nghệ cao, có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực này
“Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển năm 2024 sẽ trở thành môi trường trao đổi hữu ích cho các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế và các doanh nghiệp của hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển về kinh tế – thương mại – đầu tư nói chung và về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo nói riêng” – Đại sứ Trần Văn Tuấn kỳ vọng.
Ký kết 4 MOU quan trọng
Trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại, Trưởng Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Tổ chức xúc tiến thương mại Thụy Điển Business Sweden Việt Nam nhằm thiết lập một khung hợp tác trong thúc đẩy thương mại giữa Thụy Điển và Việt Nam. Bên cạnh đó, trao đổi thông tin liên quan đến cơ hội kinh doanh, chính sách thương mại, quy định pháp luật và các dữ liệu khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước; hỗ trợ lẫn nhau trong các đoàn công tác thương mại và các sự kiện xúc tiến thương mại.
Ký kết các MOU trong khuôn khổ diễn dàn (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu) |
Một MOU khác cũng được Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy ký kết với Tập đoàn ARC – một tổ chức tài chính toàn cầu được thành lập vào năm 2015 có trụ sở tại Stockholm và hiện diện mạnh mẽ tại châu Á. Theo đó, hai bên cam kết sẽ thúc đẩy và phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia trên cơ sở cùng có lợi, đồng thời thể hiện mong muốn thiết lập một khuôn khổ hợp tác để hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp của Bắc Âu tham dự Hội chợ quốc tế nguồn hàng được tổ chức hằng năm tại Việt Nam, nhằm tăng cường quan hệ thương mại, thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu.
Cũng nhân dịp này, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã ký MOU với cảng Gothenburg (Thụy Điển) về phối hợp phát triển, mở rộng hoạt động logistics giữa hai bên; xúc tiến xuất nhập khẩu; chia sẻ ý tưởng và các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới một hệ thống logistics bền vững hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong lĩnh vực số hóa về logistics.
Bản MOU thứ 4 trong khuôn khổ diễn đàn được ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) về hợp tác xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh và hợp tác trong phát triển các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics.
Nguồn: https://congthuong.vn/dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-thuy-dien-gia-tang-hop-tac-vi-mot-tuong-lai-ben-vung-344047.html