Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời gian qua, giá cả hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như rau, gạo, dầu, sữa, trái cây, thịt cá… không có dấu hiệu “đội giá”.
Giá heo hơi tại chợ trung bình 62.000 – 66.000 đồng/kg. Giá gạo tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) ổn định ở mức, gạo ST25 – ruộng tôm 28.000 đồng/kg, gạo nàng thơm 23.000 đồng/kg, gạo ST24 giá bán 27.000 đồng/kg.
Lượng hàng về các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn ổn định, giá cả không có nhiều biến động.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, những ngày gần đây tình hình tiêu thụ thịt heo sỉ tại chợ vẫn bình thường, lượng heo về chợ khoảng 4.000 – 4.500 con/ngày, các mặt hàng rau, củ quả và trái cây ổn định.
“Chợ đầu mối là nguồn cung cấp chính cho nhiều hệ thống bán lẻ và siêu thị. Việc giữ giá cả ổn định tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định trên thị trường. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các nhà nông và nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung luôn đủ và giá cả không bị biến động lớn”, ông Phong cho biết.
Giá thịt, cá, rau, củ… tại các chợ truyền thống hầu như không thay đổi. |
Theo ghi nhận, tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm như Co.opmart, Big C, WinMart, Aeon Mall, Bách hóa Xanh…, về cơ bản giá bán các mặt hàng không thay đổi. Đồng thời, các đơn vị cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị… Điều này cũng góp phần trong điều tiết giá cả thị trường, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn các sản phẩm trong tầm mức giá phù hợp với túi tiền của mình.
Anh Trần Minh Trí, công nhân đang mua sắm tại Aeon Mall TP. Thủ Đức cho biết: “Việc giữ giá ổn định của các sêu thị thực sự giúp gia đình tôi sự yên tâm hơn, chúng tôi vẫn có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể mỗi tháng”.
“Với thu nhập chủ yếu từ lương của chồng, gia đình tôi rất lo lắng mỗi khi có biến động về giá. Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều khi đi mua sắm“, chị Nguyễn Thị Hương (quận 5), chia sẻ.
Tại các điểm mua sắm Co.opmart, Co.opXtra hiện đang có nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn, có những ưu đãi kéo dài đến tận cuối năm. Ví dụ, như chương trình “Cơm nhà nồng nàn – Thịt ngon chất lượng”, siêu thị đã ưu đãi từ 15-20% cho các mặt hàng ức gà phi lê, ức gà phi lê không da, đùi gà góc tư, thịt heo xay, bắp giò heo, ba chỉ bò Úc đông lạnh. Ngoài ra còn giảm giá các mặt hàng tươi sống từ 10-30%. Từ ngày 18 đến 31/7, Saigon Co.op tổ chức chương trình này tại 800 điểm bán trên toàn quốc.
Chị Lê Thị Thanh Hương, nhân viên văn phòng đang mua sắm hàng hóa tại Co.opmart cho biết: “Tôi cũng hơi lo khi từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng, trước kia mỗi lần tăng lương lập tức sau đó giá cả các mặt hàng cũng tăng theo. Nhưng những ngày qua khi đến mua sắm tại đây, tôi thấy giá cả không có sự biến động. Nhiều chương trình khuyến mãi cũng được triển khai, tôi cảm thấy yên tâm”.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Thắng Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Giá cả hàng hóa tại hệ thống Co.opmart và Co.opXtra hiện vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước ngày 1/7. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, mở rộng mạng lưới siêu thị và tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp để đảm bảo cung cấp hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý nhất”.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi giá cả được kiểm soát tốt, sức mua của người dân sẽ được duy trì, góp phần kích thích tiêu dùng và sản xuất. Nhất là đợt tăng lương vào đầu tháng 7, việc kểm soát và bình ổn được giá đã giúp người dân an tâm.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: “Lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô chưa đến 8% trong nền kinh tế. Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương đến giá cả thị trường sẽ không quá lớn. Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm vẫn ở mức ổn định. Tùy vào nguồn cung của từng mặt hàng và nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả có thể tăng nhẹ nhưng sẽ dần ổn định theo thị trường”.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Việc kiểm soát giá cả trong bối cảnh lương cơ sở tăng là một biện pháp cần thiết để giữ vững sự ổn định kinh tế. Các doanh nghiệp đã đóng góp rất lớn vào việc này, qua đó giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng và duy trì sự phát triển bền vững”.
Nhiều đơn vị bán lẻ lớn vẫn đang chạy nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu để kích cầu thị trường. |
Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ giá bằng cách cắt giảm chi phí, tìm các giải pháp trong quy trình sản xuất để giảm tối thiểu chi phí trong điều kiện chi phí đầu vào tăng. Thống qua đó, nỗ lực giữ ổn định mặt bằng giá cả sản phẩm, hàng hóa. Các doanh nghiệp mở thêm kênh phân phối cùng những chương trình bán hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn thị trường…
Hiện ngành Công Thương cũng đang bám sát thị trường, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa. Đồng thời cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi như đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá… nhất là trong các dịp lễ, tết từ nay đến cuối năm.
Việc tăng lương cơ sở mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát giá cả hàng hóa. Với các biện pháp quyết liệt từ các doanh nghiệp và sự hợp tác chặt chẽ từ các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, giá cả đã và đang được giữ ổn định, giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong tương lai, cần có thêm nhiều biện pháp và chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ để đảm bảo giá cả luôn ở mức ổn định, đồng thời khuyến khích sự hợp tác từ các doanh nghiệp và người nông dân để duy trì nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức kinh tế và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-gia-hang-hoa-tiep-tuc-on-dinh-sau-khi-luong-co-so-tang-335721.html