Việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mới đây của Saudi Arabia và Nga là để duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Nhưng quyết định này tác động thế nào đến Mỹ và thị trường dầu thế giới?
Sau quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia và Nga, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn giao dịch đã lên trên 90 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2022. (Nguồn: AFP) |
Ngày 5/9, Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Việc cắt giảm sẽ đưa sản lượng dầu thô của Saudi Arabia đạt gần 9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 và mức cắt giảm sẽ được xem xét lại hàng tháng.
Nga – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, cũng tuyên bố gia hạn quyết định tự nguyện giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày đến cuối năm 2023.
Về phía Nga, Phó Thủ tướng Aleksandr Novak cho rằng, việc gia hạn cắt giảm tự nguyện nguồn cung dầu nhằm mục đích tăng cường các biện pháp phòng ngừa mà các nước Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) thực hiện để duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ.
Sau thông báo đó, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn giao dịch đã lên trên 90 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2022. Trước đó giá dầu thô giao dịch trong tháng 7 chạm mức 80 USD/thùng.
Bình luận về quyết định của hai “ông lớn” dầu mỏ thế giới, Bob McNally, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan có trụ sở tại Washington nhận định, Saudi Arabia và Nga đã “thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm” trong việc quản lý giá dầu đang có nguy cơ tăng mạnh.
Ông Justin Alexander, Giám đốc công ty tư vấn Khalij Economics thì cho hay, quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của Saudi Arabia dường như đã thúc đẩy giá tăng vọt, nguồn cung thắt chặt hơn trong quý IV/2023.
Ông nhấn mạnh: “Tuy nhiên, nỗ lực nói trên có phải trả giá”.
Giám đốc công ty tư vấn Khalij Economics chỉ ra rằng, sản lượng hiện tại của Saudi Arabia là khoảng 9 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất 12 triệu thùng/ngày – mức khai thác trước khi cắt giảm.
Đầu tháng 8, gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia đã báo cáo lợi nhuận quý II/2023 là 30,08 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022 – khi giá dầu tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine.
Công ty cho biết, tình trạng sụt giảm lợi nhuận này “chủ yếu phản ánh tác động của việc giá dầu thô giảm và tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm hóa chất và lọc dầu suy yếu”.
Goldman Sachs thì cho rằng, giá dầu có thể tăng cao vào năm tới, nếu hai nước trên không dỡ bỏ việc cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ. Ngân hàng này dự báo, dầu Brent sẽ ở mức 86 USD vào tháng 12 và 93 USD vào cuối năm 2024.
Hiện tại, Goldman Sachs nhận thấy “hai rủi ro tăng giá” đối với thị trường dầu thế giới.
Thứ nhất, nguồn cung dầu của Saudi Arabia sẽ giảm 500.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đây. “Chỉ riêng điều đó thôi cũng sẽ khiến giá dầu mỗi thùng tăng thêm 2 USD”, ngân hàng nhấn mạnh.
Thứ hai, ngân hàng đã dự kiến rằng, OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2024. Khi đó, giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Goldman Sachs nhấn mạnh: “Chiến lược của OPEC+ có thể phản tác dụng”.
Mặc dù giá dầu cao hơn sẽ giúp Saudi Arabia cân bằng ngân sách và Nga tăng doanh thu. Nhưng nếu giá dầu ở mức ba chữ số, các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ sẽ tăng nguồn cung để giảm giá. Ngoài ra, giá “vàng đen” cao hơn có thể thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch.
Theo ngân hàng này, lý do khác khiến OPEC+ có thể không muốn giá dầu 100 USD là vì “tầm quan trọng chính trị của giá xăng Mỹ”. Các Tổng thống Mỹ không muốn thấy giá xăng tăng vọt, đặc biệt là trước cuộc bầu cử.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng, Tổng thống Joe Biden đang tập trung vào việc “cố gắng làm mọi thứ trong ‘bộ công cụ’ hạ giá xăng cho người tiêu dùng Mỹ”.