08:30, 12/06/2023
Với mức gần 65.000 đồng/kg (vào ngày 11/6/2023), giá cà phê đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng 15 năm qua. Mặc dù thời điểm này không còn nhiều nông dân hưởng lợi từ giá cao nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng để kéo nông dân gắn bó trở lại với vườn cây sau nhiều năm cầm cự vì giá thấp.
Giá tăng ngoài dự kiến
Theo Bộ Công Thương, hơn một tháng nay, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 64.100 – 64.900 đồng/kg. Đây được cho là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) cho biết, khi giá tăng lên 40.000 đồng/kg, các thành viên đã lần lượt bán ra đến 70% sản lượng (245 tấn), bởi cà phê giữ ở mức giá này khá lâu nên bà con tưởng không tăng nữa nên đã vội bán đi; còn một số ít bán được ở mức 50.000 đồng/kg và khi cà phê giá chạm mức 60.000 đồng/kg thì chỉ còn 5 – 6 tấn được hưởng lợi từ giá này. HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy có 110 ha cà phê, sản lượng đạt 350 tấn, hiện không còn cà phê nhân để bán, các thành viên HTX đều rất tiếc vì không ai ngờ được giá cà phê tăng cao ở mức này.
Thu hoạch cà phê ở Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo). |
Còn theo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), công ty đã dự đoán giá cà phê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg cà phê nhân, tuy nhiên tăng đến mức giá như hiện nay là không lường trước được. Thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2023 đạt 882.000 tấn với trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, trong những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn cao hơn nữa khi các hợp đồng theo giá mới được giao.
|
Các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê tăng cao trước hết là do cung không đủ cầu. Hiện nguồn cung Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu trên thế giới bị thu hẹp do mất mùa, ngay cả ở Việt Nam khi cuối niên vụ 2021 – 2022, sản lượng được dự báo sẽ hụt 10 – 15%. Với một cường quốc sản xuất cà phê như Việt Nam, bị hụt 10 – 15% sản lượng là rất lớn, sẽ tác động lên cung – cầu cũng như giá cà phê toàn cầu. Bên cạnh đó, với suy thoái kinh tế và lạm phát xảy ra ở hầu hết với các nước trên thế giới thì người tiêu dùng chuyển sang cà phê giá thấp hơn so với Arabica, các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu thế này và họ mua Robusta nhiều hơn để phối trộn với Arabica nhằm giảm giá cà phê xuống thấp hơn.
Kéo nông dân gắn bó với vườn cây
Đắk Lắk hiện có 213.336 ha cà phê, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm, trong đó có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh, còn lại gần 90% diện tích do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 39 tổ hợp tác và 53 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Các HTX sản xuất cà phê hoạt động mang lại hiệu quả khá cao đã liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp… góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít vườn cây của các nông hộ bị bỏ bê do giá sản phẩm xuống thấp trong thời gian quá dài, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân đầu tư chăm sóc kém, tái canh hạn chế… Việc giá cà phê tăng cao đã khuyến khích một số nông dân bắt đầu trồng lại vườn cà phê ở những diện tích già cỗi và bắt đầu chú trọng đầu tư, chăm sóc tốt vườn cây…
Các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn cây theo hướng phát triển bền vững. |
Theo bà Lương Thị Oanh, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy, việc giá cà phê tăng cao đã khích lệ tinh thần bà con yên tâm gắn bó với cây trồng này và đây cũng là cơ hội làm giàu của nông dân. Hiện HTX vẫn giữ ổn định vườn cây, khuyến cáo bà con không mở rộng thêm diện tích mà chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây bằng cách sản xuất theo các chứng nhận VietGAP, hữu cơ và các chứng nhận quốc tế khác.
Đồng thời, HTX tăng thêm máy móc để nâng cao chất lượng chế biến theo quy trình cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Năm vừa rồi HTX bán được 5 tấn cà phê đặc sản, với giá tăng thêm 15.000 đồng/kg. Năm nay khuyến khích bà con tăng thêm sản lượng cà phê chất lượng cao, HTX sẽ chuyển giao kỹ thuật đến cho các thành viên tự chế biến hoặc HTX sẽ thu mua quả chín 100% để chế biến và tìm kiếm những đơn hàng có giá tốt nhằm tạo đầu ra ổn định cho dòng cà phê này, cũng như mang lại lợi nhuận tốt nhất cho người nông dân.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: Việc cà phê tăng giá cũng đã giúp người nông dân được hưởng lợi và người dân yên tâm chăm sóc vườn cây tốt hơn. Cà phê tăng giá sẽ làm cho người nông dân suy nghĩ đến việc không phá vườn cà phê để trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao mà chỉ trồng xen theo hướng cà phê cảnh quan nhằm giúp vườn cây phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu của những nước nhập khẩu. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông để người dân không tăng diện tích mà chú trọng vào việc chăm sóc tốt vườn cây.
Minh Thuận