Được đánh giá là nhóm khách hàng tiềm năng cho ngành tiêu dùng xa xỉ, những người trẻ gen Z Trung Quốc ngày nay tham vọng nhưng thờ ơ, có học thức nhưng cô độc, được giải phóng nhưng lại đối mặt với nhiều khó khăn và hạn chế của các chuẩn mực xã hội đương thời.
Gen Z Trung Quốc đổ về thành thị
Theo nghiên cứu, hơn một nửa (56%) người thuộc thế hệ Z ở Trung Quốc cư trú tại các thành phố loại 1 và loại 2, nhấn mạnh rõ ràng sở thích sống ở thành thị so với các thành phố loại 3 nhỏ hơn được 54% thế hệ X ưa thích.
Xu hướng chuyển đến thành phố sinh sống không chỉ đơn thuần nhằm tìm kiếm việc làm tốt hơn và lối sống hiện đại; mà là sự lựa chọn có chủ ý, phản ánh khát vọng của một thế hệ mong muốn tận dụng những cơ hội mà các đô thị rộng lớn của Trung Quốc mang lại.
Đáng chú ý, khoảng một nửa gen Z đã có bằng cử nhân, trong đó 22% có bằng thạc sĩ trở lên, vượt xa các thành tích giáo dục của thế hệ millennials (thế hệ thiên niên kỷ).
Nghiên cứu cho thấy 60% thế hệ millennials (sinh từ 1981 đến 1996) và thế hệ Z (sinh từ cuối thập niên 1990 đến cuối thập niên 2010) có bằng đại học hoặc sau đại học, gần gấp đôi tỉ lệ gen X (34%, sinh từ 1965 đến 1981) đạt được cùng trình độ học vấn.
So với quan điểm bảo thủ của thế hệ cũ, gen Z có sự cởi mở tương đối khi nói về giới tính, đánh dấu sự thay đổi đáng kể. 8% xác định bản thân là đồng tính luyến ái hoặc song tính, gần gấp ba lần tỉ lệ của thế hệ X và millennials.
Tuy nhiên, sự giải phóng này đi kèm với một nghịch lý. Người trẻ gen Z cô đơn hơn, sống một mình và có ít bạn thân hơn. Năm 2023, ứng dụng xã hội Trung Quốc Soul khảo sát thấy 1/3 người dùng trẻ cho biết họ “hầu như luôn cảm thấy cô đơn”. Mỗi người trung bình chỉ có 2,5 người bạn thân.
Thế hệ Z Trung Quốc đang trải qua sự “suy thoái tình bạn”, dù cho nguyên nhân do lịch làm việc dày đặc, khoảng cách địa lý, hay sự cô lập về mặt xã hội do các ứng dụng trực tuyến bùng nổ.
Một thế hệ ở ngã ba đường
Thế hệ Z của Trung Quốc là hiện thân của sự mâu thuẫn – một thế hệ đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Nhóm người dùng này đang xác định lại những hành vi tiêu dùng, với sự pha trộn giữa lòng tôn kính dành cho truyền thống văn hóa và khuynh hướng hiện đại, thể hiện màu sắc cá nhân.
Gần 90% gen Z ủng hộ việc giảm lượng khí thải carbon, thể hiện ý thức môi trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, nghịch lý thay, cũng chính những người trẻ này chuộng các dòng xe hơi “ngốn” nhiều xăng. Sự lựa chọn này làm bật lên mâu thuẫn giữa thái độ thân thiện với môi trường và tham vọng cá nhân.
Bên cạnh đó, người trẻ cũng giảm mức độ quan tâm đáng kể với các dòng ô tô do Trung Quốc sản xuất và rượu truyền thống. Thay vào đó, họ chuyển sang sử dụng các thương hiệu nước ngoài.
Dù tham vọng và có trình độ học vấn cao, thế hệ Z lại ít vận động hơn thế hệ X. Hơn 70% người trẻ gen Z chỉ tập thể dục dưới 2 giờ mỗi tuần, đặt ra câu hỏi về tác động lên sức khỏe của lối sống thành thị: ít vận động, và lao đầu vào công việc hoặc học tập.
Bên cạnh đó, một trong những thay đổi rõ rệt khác là thái độ đối với hôn nhân. Có đến 44% gen Z không quan tâm đến hôn nhân, gấp đôi tỉ lệ của thế hệ millennials. Họ cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động tài chính và sự nghiệp nếu phải trở thành cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ. Những ưu tiên này của gen Z phản ánh áp lực kinh tế và xã hội sâu sắc hơn.
Nữ giới gen Z có định hướng nghề nghiệp cao hơn nhiều, với tỉ lệ cao hơn 18 lần so với thế hệ millennials khi nói về việc ưu tiên thăng tiến trong sự nghiệp hơn là sinh con.