Công nghệ bùng nổ, nếu không chịu nỗ lực học hỏi thì các bạn Gen Z dễ rơi vào cái bẫy trở thành “người vô dụng” khi máy tính có thể dần thay thế những công việc của con người.
ThS. Phạm Thị Khánh Ly cho rằng, Gen Z cũng rất cần sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ của các thế hệ khác đối với họ trên thị trường lao động. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ThS. Phạm Thị Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng trường/Giám đốc điều hành Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy (Hà Nội)/Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang với Báo Thế giới & Việt Nam về thế hệ Gen Z.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng thế hệ Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước. Góc nhìn của chị thế nào về Gen Z?
Gen Z, một thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, chắc chắn không chỉ tác động mà thậm chí còn làm thay đổi bộ mặt thị trường lao động. Sức sáng tạo, cá tính của Gen Z đặt ra cả cơ hội và thách thức cho chính họ, đồng thời buộc hệ thống đào tạo và doanh nghiệp đều phải chuyển đổi để thích ứng, cùng mở ra cơ hội mới.
Có thể nói, thế hệ này quy tụ những bạn trẻ năng động, cá tính. Dù trong môi trường làm việc nào, họ cũng đều mang đến sự trẻ trung, ngọn lửa nhiệt huyết. Đặc biệt, Gen Z rất nhanh nhẹn về mặt ý tưởng và không ngại thể hiện bản thân mình. Không khí làm việc khi không có Gen Z sẽ ít năng động hơn và thiếu đi nguồn năng lượng dồi dào từ những bạn trẻ này.
Tuy nhiên, Gen Z hiện nay còn khá phân mảnh, có đầy đủ đặc tính nhưng lại chưa đủ trưởng thành, chững chạc để biến những đặc tính đó thành các công cụ sắc bén trong công việc của mình.
Là người tiếp xúc với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, chị nhận thấy nét khác biệt của thế hệ này là gì? Những cơ hội và thách thức nào dành cho họ?
Thế hệ này được sinh ra trong điều kiện xã hội đang phát triển, nhiều thuận lợi, được xem là thế hệ đầu tiên tiếp cận công nghệ từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, họ phát triển trong môi trường đầy đủ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc đến cách họ tương tác với thế giới, đồng thời ảnh hưởng đến cách họ xử lý cảm xúc và hành vi, nhiều khi dễ bị coi là “lồi lõm” trong mắt các thế hệ khác.
Tuy nhiên, công nghệ bùng nổ, nếu không chịu nỗ lực học hỏi, các bạn Gen Z dễ rơi vào cái bẫy trở thành “người vô dụng” khi máy tính có thể dần thay thế những công việc của con người.
Gen Z có những điểm khác biệt là thẳng thắn, hiểu bản thân, minh bạch với tư duy mong muốn thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra và cuối cùng là mạnh tay chi tiêu, hưởng thụ vì đây là cách nhóm này cân bằng cuộc sống.
Bên cạnh đó, thế hệ này có sự “đứt gãy” thế hệ và đã không còn giới hạn bản thân trong những khuôn khổ và định hướng của gia đình như những thế hệ trước. Khác với thế hệ trước ưa chuộng sự ổn định trong công việc và cuộc sống, Gen Z đề cao sự trải nghiệm, mong muốn được thử sức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất nhiên, những cá tính này, nếu không kiểm soát tốt, dễ trở thành “con dao hai lưỡi” với Gen Z, thậm chí là lạc lối, nhiều bạn có thể gặp sự hoang mang về ý nghĩa và giá trị sống.
“Gen Z hiện nay giống như những ‘nguyên vật liệu’ thô cần được mài giũa qua sự trải nghiệm để trở thành những viên kim cương. Nhưng khi viên kim cương đã sáng rồi sẽ hấp dẫn và thu hút những thế hệ khác cần đi theo xu hướng này”. |
Đồng thời, Gen Z là những người thông minh, năng động, nhạy bén nhưng chưa đủ sự kiên định và kỷ luật trong mục tiêu hướng tới, họ đang thiếu đi những người dẫn dắt-người kết nối, cho họ biết thực sự cần làm gì với những thế mạnh đó hay chỉ đường cho họ khi nào nên rẽ sang một lối khác, khi nào nên kiên trì đến cùng.
Gen Z mang đặc tính xu hướng lao động trong tương lai bởi những cá tính của họ sẽ giúp công việc không đi theo lối mòn như những thế hệ trước. Thay vì quan điểm làm việc dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu thì Gen Z có nhiều thông tin và cá tính riêng hơn. Họ có sự tò mò, ham học hỏi và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn, do đó, trong tương lai, thị trường lao động sẽ có sự đang dạng, sáng tạo nhiều hơn.
Nhưng việc được sinh ra trong thời đại “ma trận” thông tin lại chính là cạm bẫy với chính họ. Họ có biết cách biến những thông tin đó trở thành tài sản hữu ích với mình trong cuộc sống hoặc trong công việc hay không lại là chuyện khác.
Gen Z là những người thông minh, năng động, nhạy bén. (Ảnh minh họa – Nguồn: vneconomy) |
Tức là họ có nhiều ưu thế?
Ưu thế của Gen Z là khả năng tiếp thu công nghệ nhanh giúp họ rất chủ động và độc lập trong công việc. Đây cũng là thế hệ không ngại mắc lỗi và chịu học hỏi từ những sai lầm đó, nhưng cũng là một thế hệ rất dễ tổn thương.
Đặc điểm tích cực của nguồn nhân lực này, đó là sự sáng tạo, năng động, có những khả năng phá cách tạo ra bước đột phá trong công việc. Đây là những điều rất cần thiết đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại và cạnh tranh toàn cầu.
Trước sự đào thải của thị trường lao động, Gen Z cần chuẩn bị cho mình như thế nào để nắm bắt các cơ hội trong thời đại số?
Đào thải và sa thải là câu chuyện muôn thuở trong thị trường lao động, điều đó xảy ra với mọi thế hệ. Đặc biệt, với thị trường lao động càng ngày càng có tính cạnh tranh cao như hiện nay, áp lực sa thải lại càng lớn. Vấn đề ở chỗ, mỗi thế hệ phản ứng với việc đó theo những cách khác nhau. Nếu các thế hệ trước ưu tiên sự ổn định, thụ động nghỉ việc thì ở Gen Z, đặc tính “nhảy việc” lại trở thành xu hướng của một bộ phận không nhỏ.
Họ không thích sự gò bó, ràng buộc nên theo đuổi ước mơ khởi nghiệp thay vì trở thành nhân viên ở một công ty nào đó. Hiện tượng nhảy việc phổ biến của lao động trẻ có một phần đến từ chính doanh nghiệp. Nguyên nhân là lao động trẻ thường kỳ vọng rất nhiều về nơi làm việc của mình; họ cần một lãnh đạo có tầm và có tâm, một doanh nghiệp có định hướng phát triển đột phá. Do vậy, khi thất vọng, lao động trẻ ảnh hưởng bởi cảm xúc sẽ dễ chọn cách rời đi để tìm nơi phù hợp hơn.
Gen Z hiện nay giống như những “nguyên vật liệu” thô cần được mài giũa qua sự trải nghiệm để trở thành những viên kim cương. Nhưng khi viên kim cương đã sáng rồi sẽ hấp dẫn và thu hút những thế hệ khác cần đi theo xu hướng này.
Các kỹ năng để làm việc thì các em sẽ học rất nhanh, đó không phải là điều đáng ngại, điều Gen Z cần là tôi rèn kỹ năng sống thích nghi, thay đổi góc nhìn, học cách đối mặt với sự không chắc chắn, quản lý cảm xúc.
Suy cho cùng, Gen Z cũng rất cần sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ của các thế hệ khác đối với họ trên thị trường lao động.
Xin cảm ơn chị!