Nga đang trông cậy vào khả năng của tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom và chính phủ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận mua bán khí đốt ở Trung Á.
Mỹ tính đường bắt tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom chịu phạt? Vì Dòng chảy phương Bắc 2? (Nguồn: Gettyy Images) |
Gazprom đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga sang châu Âu vào năm 2022 để trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Xuất khẩu khí đốt sang châu Âu chưa thể phục hồi vào năm ngoái, khiến Gazprom mất hàng tỷ USD doanh thu.
Theo Phó Thủ tướng Nga phụ trách các vấn đề năng lượng Alexander Novak, chính phủ dự đoán, năm nay, Gazprom sẽ vận chuyển 108 tỉ m3 khí đốt qua đường ống so với 91,4 tỉ m3 vào năm 2023.
Trong bài viết đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành dầu khí trong nước đăng trên Tạp chí Chính sách năng lượng, ông Novak cho biết, sự tăng trưởng trong xuất khẩu khí đốt sẽ chủ yếu đến từ việc tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia).
Đầu tháng này, Gazprom tuyên bố, việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia tới Trung Quốc đã đạt “kỷ lục hàng ngày mới”.
Tổng lượng khí đốt của Moscow qua tuyến đường này đến Bắc Kinh ước tính đạt gần 23 tỷ m3 vào năm 2023 và được dự báo sẽ tăng thêm 7 tỷ m3 trong năm nay.
* Trong một diễn biến liên quan, trước đó, phát biểu tại St. Petersburg, Bộ trưởng Năng lượng Uzbekistan Zhurabek Mirzamakhmudov cho hay, nước này chuẩn bị ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với Gazprom, bắt đầu giao hàng vào đầu mùa Đông.
Theo thỏa thuận được ký năm ngoái, Gazprom cam kết cung cấp 2,8 tỉ m3 khí đốt qua đường ống cho Uzbekistan, tuy nhiên, hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Các nhà chức trách ở Kazakhstan cũng mong đợi hoàn tất thỏa thuận cung cấp khí đốt với Tập đoàn khí đốt của Nga để bắt đầu giao khí đốt tới các khu vực phía Bắc và Đông Bắc của đất nước.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto, Gazprom đã tăng cường cung cấp khí đốt cho Hungary, lên đến 18 triệu mét khối/ngày trong tháng 1/2024, tương đương 6,5 tỉ m3/năm.