DNVN – Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật Điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được, hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ để vừa phát triển nguồn điện vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ…
Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 15/3 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho thấy, sau gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018 và năm 2022) đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển điện lực đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của nền kinh tế – xã hội và nhân dân, cần thiết phải xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Điện lực hiện hành.
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Điện lực sửa đổi cho biết, trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Tổ biên tập bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Các thành viên Tổ biên tập đã thống nhất chia thành viên Tổ biên tập thành 3 nhóm: gồm nhóm điều tiết điện lực và tiết kiệm điện; nhóm quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo; nhóm An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị thành viên Ban soạn thảo góp ý vào dự thảo Luật theo quan điểm kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Điện lực, sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW, đến năm 2050, tổng công suất đạt gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn, một mặt vừa phát triển nguồn điện nhằm bảo đảm phát triển kinh tế xã hội; một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này.
Trong thời gian tới, cần phải giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường như khí, amoniac xanh, hydrogen. Khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, việc xây dựng ban hành Luật điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch cũng như phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…
Bộ trưởng Công Thương đề nghị xây dựng dự thảo tờ trình trên cơ sở nội dung dự thảo 1 đã được hoàn thiện.
Sau khi hoàn thiện dự thảo 1 theo ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, giao đầu mối Tổ biên tập gửi lại Ban soạn thảo dự thảo 1, dự thảo tờ trình và bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo trong tuần từ 25-29/3 tới.
Trong thời gian này, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.
Minh Thu