Nhà báo Trịnh Đình Thiệu – Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam với Loạt 3 bài “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số bị nhốt trong kho bạc”- giải A – Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII:
Mong muốn góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số
Tôi đã tham dự một số năm tại Lễ Giải Báo chí quốc gia, nhưng năm nay là điều thật đặc biệt, đặc biệt không phải vì nhóm phóng viên chúng tôi được “đổi màu huy chương” mà năm nay công tác tổ chức đã có đổi mới thật sự. Đúng với tinh thần tôn vinh những tác giả có những tác phẩm tiêu biểu ở mọi miền tổ quốc. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham dự một buổi lễ ấn tượng như vậy, điều này càng thôi thúc chúng tôi cần phải cố gắng nhiều hơn trong thời gian tới.
Tác phẩm của chúng tôi nói về huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ đồng bào nghèo nằm trong vùng dự án được hỗ trợ tiền để xây nhà ở, nhiều gia đình vay tiền làm nhà trước, chờ hỗ trợ tiền sau nhưng khi làm xong nhà, bà con lại ôm nợ vì không nhận được tiền hỗ trợ. Từ thực tế đó, tôi cùng đồng nghiệp nhiều lần đi đến tận vùng đồng bào để tìm hiểu, gặp gỡ chính quyền địa phương để có giải pháp cụ thể.
Để có đầy đủ tư liệu, chúng tôi phải đi đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số thường lên rẫy rất sớm, đến chiều tối mới về nhà. Để gặp được bà con, phóng viên phải nhờ cán bộ địa phương hẹn trước để bà con ở nhà, còn nếu không phải ở lại qua đêm trong bản, làng chờ bà con về để gặp. Chúng tôi dành hơn 1 tháng để đi thực tế nhiều lần, nhiều nơi, gặp, làm việc với nhiều đồng bào nghèo và đại diện các cơ quan ban ngành và chính quyền các địa phương ở miền Trung.
Qua loạt bài chúng tôi muốn khán thính giả biết thêm được những gì đang diễn ra trong cuộc sống đồng bào nghèo dân tộc thiểu số tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn ở một số địa phương miền Trung. Mong muốn góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà báo Phan Liên – Trung tâm Truyền hình Nhân Dân, Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân với Tác phẩm: “Giữ vững ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ”- giải C – Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII:
Giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân
Ngày 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra vụ khủng bố chống chính quyền gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 11 người thương vong. Đây không phải là lần đầu tiên ở Tây Nguyên xảy ra hoạt động khủng bố, gây rối ở “điểm nóng” và kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết vi phạm pháp luật, hòng gây bất ổn chính trị.
Xác định đây là vụ việc quan trọng rất “nhạy cảm”, Ban biên tập Truyền hình Nhân dân đã khẩn trương xây dựng chương trình luận đàm để kịp thời định hướng dư luận. Chúng tôi xác định để đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, chống phá nhà nước không chỉ là các tin phản ánh thông thường, mà rất cần các bài phân tích, bình luận sâu trên các cơ quan báo chí chính thống nhanh nhất. Đây là động lực để nhóm chúng tôi quyết tâm thực hiện sớm tác phẩm này.
Chúng tôi đã cố gắng để trong một thời gian gấp gáp, tác phẩm vừa nhanh nhưng cũng vừa sâu, vừa gần gũi, tự nhiên, vừa giàu sức thuyết phục. Từ tác phẩm rút ra bài học sâu sắc là phải giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; xây dựng được đội ngũ già làng tiêu biểu, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là phải biết tiếng dân tộc, phải hiểu được tập quán, phải sinh hoạt cùng bà con, trở thành “người thân” của bà con”.
Nhà báo Đỗ Thị Giang – Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái với Tác phẩm: Đừng để xảy ra “Ngày tận thế”- giải B – Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII:
Đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở để giữ bình yên cho các bản làng
Tôi tham gia giải từ nhiều năm nay, ở thế loại phát thanh tôi và đồng nghiệp đã có nhiều năm đoạt các giải thưởng, mỗi lần đoạt giả góp phần khơi gợi niềm đam mê với nghề báo, vừa tạo động lực để tôi luôn cố gắng, sáng tạo trong quá trình làm việc sau này, qua đó vững tin tham gia các giải báo chí khác.
Đối với đề tài của tôi, tôi thấy rằng, trước sự phát triển của mạng xã hội, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội nhiều đối tượng phản động đã tuyên truyền về ngày tận thế sẽ xảy ra. Lo sợ ngày tận thế đến, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở một số bản làng cao của tỉnh Yên Bái đã bán hết trâu bò, ruộng nương, bỏ bê công việc đồng áng… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và xáo trộn cuộc sống.
Với chủ đề “Đừng để xảy ra “Ngày tận thế”, chương trình Phát thanh chuyên đề của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái chúng tôi tổ chức có sự tham gia của 2 khách mời đại diện cho ngành chức năng và chính quyền địa phương. Các khách mời đã phân tích về những nguyên nhân dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số dễ tin vào những điều nhảm nhí và bị các đối tượng lôi kéo tham gia các tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, chỉ rõ những hệ lụy của việc làm này và đưa ra giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đừng để xảy ra “Ngày tận thế” chúng tôi sử dụng phương thức phát thanh hiện đại, được thể hiện theo hình thức đa phương tiện, trên các nền tảng khác nhau: Phát trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH Yên Bái và livestream trên Fanpage Truyền hình Yên Bái. Chương trình là sự kết nối của các câu chuyện để một lần nữa cho thấy vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nếu các ngành chức năng và chính quyền địa phương không quản lý và kiểm soát kịp thời.
Tác phẩm của chúng tôi có thời lượng 30 phút, nhưng chúng tôi cố gắng cách đặt vấn đề trực diện, khách quan, từ những ý kiến, băn khoăn, lo lắng của người dân về sự xuất hiện của những tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Tác phẩm cũng có những phân tích, bình luận của ngành chức năng và đại diện chính quyền địa phương đã giúp thính giả hiểu rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn và những yếu tố tác động đến an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ngoài ra chúng tôi đưa ra các giải pháp để giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở trong đó có việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân và ngăn chặn truyền đạo trái phép, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở để giữ bình yên cho các bản làng vùng cao Yên Bái.
Nguồn: https://www.congluan.vn/gap-nhung-nha-bao-tao-dau-an-qua-tac-pham-tai-giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-xviii-post300227.html