(CLO) Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, năm 2024 nhiều cơ quan báo chí đã có những quyết tâm chuyển đổi số một cách mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng công nghệ. Trong đó có nhiều giải pháp, mô hình mới ở các tòa soạn tạo ra những tác phẩm báo chí mang màu sắc hiện đại, công phu, tăng tính tương tác và thu hút độc giả nhiều hơn.
Chủ động ban hành chiến lược ngắn hạn và dài hạn về chuyển đổi số
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến cuối năm 2024 hơn 80% các tòa soạn báo chí đã áp dụng một hay nhiều công nghệ số trong hoạt động của mình, như hệ thống quản lý nội dung CMS kết hợp phân tích dữ liệu, ứng dụng các công cụ AI để tự động hóa quá trình biên tập và phát hành tin tức.
Có 9,93% đơn vị cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc; 23,05% đạt mức tốt; 19,50% đạt mức khá; 8,87% đạt mức trung bình và 38,65% đạt mức yếu. So với năm 2023 số cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc và tốt đều tăng, trong khi mức yếu giảm mạnh xuống còn 24%.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Báo Nhân Dân đã vào top 10 cơ quan báo chí Trung ương chuyển đổi số đạt mức xuất sắc, cùng với 9 đơn vị khác là: Báo Lao động, Báo VnExpress, Báo điện tử VietnamPlus, Báo Tin tức, Báo Đại biểu Nhân dân, Báo Thanh niên, Báo Vietnamnet, Báo Nhà báo và Công luận, Báo điện tử VTC News.
Được biết, trong thời gian qua, Báo Nhân Dân tiếp tục có những bước chuyển mình quan trọng để đáp ứng nhu cầu của độc giả trong kỷ nguyên số, duy trì vị thế là một trong những cơ quan báo chí hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh giữ vững cách thức làm báo theo đúng định hướng, Báo Nhân Dân đã ứng dụng nhiều phương pháp làm báo hiện đại để đáp ứng yêu cầu toàn dân tiếp cận Báo Nhân Dân, trong đó đặc biệt chú trọng vào thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Báo Nhân Dân đã tích cực áp dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn, cũng như hoạt động rất hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok…
Trong các đợt tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024, Báo Nhân Dân không chỉ dừng ở việc đưa nhiều tin, nhiều nội dung chuyên sâu mà còn sáng tạo nhiều sản phẩm đặc biệt để thu hút độc giả, thí dụ như phụ san panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ hay tranh ghép Cột cờ Hà Nội, qua đó tạo cảm hứng cho các bạn trẻ tiếp cận lịch sử đất nước.
Nói về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nhiều lần khẳng định, chuyển đổi số báo chí là xu thế không thể đảo ngược. Một cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết phải chuyển đổi từ tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo.
“Nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công”, đồng chí nhấn mạnh.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, báo chí hiện đại phải thay đổi cách làm để thích nghi với sự thay đổi của bạn đọc về “tiêu dùng thông tin”. Báo Nhân Dân và các cơ quan báo chí nói chung vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải đổi mới sáng tạo không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bên cạnh sự hỗ trợ từ công nghệ.
Đánh giá về sự quan tâm của cơ quan báo chí đến công tác chuyển đổi số trong năm qua, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết: “Trong những năm vừa qua, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản đã được nâng lên so với trước. Tỷ lệ chúng tôi khảo sát về mức độ quan tâm và mức độ người đứng đầu cơ quan báo chí trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo chuyển đổi số của cơ quan báo chí đã tăng lên. Các cơ quan báo chí đã chủ động ban hành các kế hoạch, chiến lược ngắn hạn và dài hạn để chuyển đổi trong đơn vị mình một cách bài bản, khoa học”.
Tinh thần chuyển đổi số được lan tỏa mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương
Năm 2024, nhiều cơ quan báo chí đã có bước cải tiến lớn về chuyển đổi số, hình thành và ra mắt các mô hình, giải pháp về ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến mang tính ‘đi tắt, đón đầu’. Như mô hình Total VTV của Đài Truyền hình Việt Nam, đây là một mô hình mới trong phát triển và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện.
Với truyền hình truyền thống, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo, Thời báo VTVTimes và cả mạng xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam đã tự chủ công nghệ, làm chủ dữ liệu, dễ dàng phân tích và thấu hiểu người dùng. Đài Truyền hình Việt Nam đã gần như có thể tiếp cận mọi khán giả ở bất cứ đâu, cả trong nước và quốc tế.
Các nền tảng, các mô hình nội dung này không cạnh tranh mà bổ sung, tương hỗ lẫn nhau, giúp khán giả có lựa chọn phù hợp cho từng không gian, từng thời điểm, điều kiện khác nhau. Từ nội dung ngắn trên Tiktok, các nội dung hoàn chỉnh trên VTVGo và cả những bài viết đầy đủ, phân tích và các trích dẫn trên VTVTimes.
Riêng nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo, từ ngày 15/6/2024, qua quá trình phối hợp hoàn thiện công nghệ với tất cả các nhà cung cấp tại thị trường Việt Nam thì trên hầu hết tivi thông minh tại Việt Nam đã tích hợp sẵn ứng dụng VTVGo. Dự kiến từ năm 2025, nút bấm này sẽ có sẵn trên 2 triệu tivi thông minh được cung cấp ra thị trường Việt Nam mỗi năm.
Ông Đỗ Thanh Hải – Phó Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, “Ngoài việc đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, Đài cũng luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ mới. Trong đó Đài đặc biệt coi trọng phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo, ứng dụng này sẽ tiếp tục được cải thiện nâng cao hơn nữa tính tiện ích, trải nghiệm, tính tương tác đối với người xem và hệ sinh thái số của VTV cũng sẽ được mở rộng hơn nữa”.
Không chỉ ở các đài truyền hình lớn, năm 2024 còn có mô hình sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu tổng hợp tập trung của báo điện tử Báo điện tử VietnamPlus. Mô hình trung tâm phát triển nội dung số của Báo Tuổi Trẻ hay mô hình hệ thống lưu trữ và công cụ lưu trữ dữ liệu, phân tích xử lý dữ liệu của Báo VnExpress… và điều đáng mừng là làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ còn ở các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Tại báo Gia Lai, năm 2024 với cố gắng nỗ lực của từng cán bộ, phóng viên báo cũng đã có sự bứt phá vươn lên, trở thành 1 trong số 25 đơn vị ở Khối báo địa phương đạt mức tốt về chuyển đổi số báo chí năm 2024.
Trong đó việc cải tiến giao diện, đổi mới cách thể hiện tin, bài, SEO… đã tạo thuận lợi cho độc giả, khán giả, thính giả khi truy cập, tìm kiếm thông tin. Năm 2024 báo đã cho ra mắt thêm các chuyên trang/chuyên mục mới, phục vụ nhu cầu của từng đối tượng độc giả, khán giả, thính giả như: Chuyển động trẻ, Euro 2024, Podcast “Chuyện người Gia Lai”, Tin thế giới…
Đặc biệt, báo Gia Lai còn tăng cường thực hiện tường thuật trực tiếp, Livestream các sự kiện lớn được độc giả, khán giả và thính giả quan tâm trên website và các nền tảng mạng xã hội của Báo; tổ chức các cuộc bình chọn đối với những sự kiện, vấn đề thu hút sự quan tâm của độc giả, khán giả, thính giả trên Báo Gia Lai thông qua hệ thống CMS; đổi mới cách đăng tải thông tin trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…).
Nhà báo Huỳnh Kiên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai cho biết, “Để đạt được kết quả này, trong năm, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Gia Lai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của đơn vị. Ngoài xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể, theo giai đoạn và hàng năm về chuyển đổi số báo chí của cơ quan. Chú trọng việc đảm bảo an toàn thông tin cũng như bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên không gian mạng…, Báo Gia Lai còn quan tâm đúng mức đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nam-2024-mang-dau-an-cua-quyet-tam-chuyen-doi-so-bao-chi-toan-dien-sau-rong-thuc-chat-va-hieu-qua-post325961.html