Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã quay trở lại mốc 400 USD/tấn

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt27/03/2025

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã quay trở lại mốc 400 USD/tấn, sát với giá gạo xuất khẩu cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn gạo cùng chủng loại của Ấn Độ...


Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/3: Gạo ổn định, lúa tươi tăng 

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục biến động, giá gạo ổn định, lúa tươi tăng giá.

Cụ thể: Với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, gạo nguyên liệu IR 50404 dao động ở mức 7.700 – 7.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.600 - 8.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện giá lúa OM 5451 (tươi) tăng 100 đồng/kg dao động mốc 5.800 - 5.900/kg; giá lúa IR 50404 (tươi) tăng 100 đồng/kg dao động ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg; giá lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 6.400 - 6.500/kg; giá lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 6.400 - 6.600 đồng/kg; lúa OM 380 (tươi) dao động ở mốc 5.500 - 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg.

Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã quay trở lại mốc 400 USD/tấn - Ảnh 1.

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% của Việt Nam đã trở lại mức 400 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 325 USD/tấn.

Trong 2 tuần trở lại đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam duy trì đà tăng nhẹ từ 1 - 4 USD mỗi phiên giao dịch, trong khi gạo Thái Lan và Ấn Độ có xu hướng giảm nhẹ, khiến biên độ chênh lệch giá gạo xuất khẩu giữa các nước được thu hẹp.

Gạo 5% tấm của Việt Nam đã sát với giá gạo xuất khẩu cùng chủng loại của Thái Lan (401 USD/tấn) và cao hơn gạo cùng chủng loại của Ấn Độ 4 USD/tấn.

Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã quay trở lại mốc 400 USD/tấn - Ảnh 2.

Diễn biến giá gạo thế giới từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025. Nguồn: FAO

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, giá lúa gạo tăng trở lại phần lớn nhờ vào các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ, bao gồm việc cấp vốn ưu đãi và triển khai thu mua dự trữ quốc gia. Sự điều phối kịp thời từ Chính phủ và sự phối hợp của các doanh nghiệp đã giúp ngành lúa gạo Việt Nam đứng vững trước áp lực quốc tế. 

Việc thay đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng nhu cầu thị trường cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì sức cạnh tranh của gạo Việt Nam. Một số loại gạo, như gạo nếp, đang được tiêu thụ tốt với giá xuất khẩu cao hơn năm trước, từ 570-580 USD/tấn so với mức 480 USD/tấn.

Hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, với sản lượng dự kiến đạt 10,77 triệu tấn.

Thị trường truyền thống có thể sớm quay trở lại nhập khẩu gạo Việt Nam

Trước sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ Chính phủ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nhích tăng trở lại sau quãng thời gian liên tục giảm sâu. Các khách hàng truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, châu Phi… cũng đang được cho là có thể sớm tăng mua trở lại.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2025 sẽ không có nhiều thay đổi so với dự báo trước, đạt 58,5 triệu tấn, giảm 1,44 triệu tấn so với năm 2024. 

Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, với mức tăng từ 17,9 triệu tấn của năm 2024 lên 22,5 triệu tấn năm 2025, tương ứng tăng 4,6 triệu tấn. 

Xuất khẩu gạo của nước này dự kiến sẽ phục hồi trở lại sau khi các hạn chế xuất khẩu gạo dần được dỡ bỏ từ tháng 9 năm ngoái đến nay.

Trái ngược với sự gia tăng của Ấn Độ, xuất khẩu gạo của các nhà cung cấp lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan dự báo giảm lần lượt là 2,4 triệu tấn, 1,5 triệu tấn và 1,2 triệu tấn. 

USDA dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ cùng giảm xuống mức 7,5 triệu tấn trong năm nay, còn Pakistan đạt 5,3 triệu tấn.

Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã quay trở lại mốc 400 USD/tấn - Ảnh 3.

Về nhập khẩu năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh tăng thêm 300.000 tấn so với dự báo trước, lên tới 1,2 triệu tấn. Tương tự nhu cầu nhập khẩu gạo của Nigeria tăng 150.000 tấn lên 2,55 triệu tấn. Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có thể giảm khoảng 200.000 tấn còn 800.000 tấn. 

Philippines dự báo tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2025 với khối lượng đạt 5,4 triệu tấn, giảm nhẹ 50.000 tấn so với năm trước. Nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng được dự báo giảm 400.000 tấn so với năm 2024, xuống còn 3,4 triệu tấn.

Đáng chú ý, nhập khẩu gạo của Indonesia dự báo giảm 3,85 triệu tấn, xuống còn 800.000 tấn. Nguyên nhân là nguồn cung trong nước phục hồi làm giảm nhu cầu nhập khẩu, mặc dù giá gạo châu Á giảm đáng kể.

Tại Banglades, nhập khẩu gạo của dự kiến tăng từ 1 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn; nhập khẩu của Trung Quốc tăng 575.000 tấn, đạt 2,2 triệu tấn...

Năm nay, ngoại trừ sự sụt giảm tại Indonesia, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường lớn của Việt Nam nhìn chung vẫn tương đối tốt.

Nhu cầu ở mức cao từ các thị trường Philippines, châu Phi, Trung Quốc và Bangladesh, đang hỗ trợ giá gạo của Việt Nam đang nhích tăng trở lại. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường lúa gạo trong nước.

Đặc biệt, Bangladesh sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam theo thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ nhằm bổ sung nguồn cung và ổn định thị trường lương thực trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá bán được chốt ở mức 474,25 USD/tấn, cao hơn so với mặt bằng giá gạo trắng thông thường trên thị trường quốc tế, phản ánh sự ổn định về chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt Nam.

Liên quan đến việc Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu gạo 100% tấm, quyết định này được cho là sẽ làm gia tăng nguồn cung gạo toàn cầu và sẽ phần nào tạo áp lực về giá xuất khẩu lên các nước khác. Tuy nhiên lại không tác động quá nhiều đến thị trường gạo Việt Nam bởi trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các giống gạo thơm, phân khúc gạo tầm trung đến cao cấp; gạo trắng và gạo tấm chiếm tỷ trọng nhỏ.

Việt Nam trước đây vẫn nhập mặt hàng gạo tấm từ Ấn Độ để phục vụ nhu cầu chế biến các sản phẩm ăn liền như bún, phở, bánh tráng… Việc Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo tấm, nếu giá cạnh tranh tốt thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập khẩu, chế biến. Tuy nhiên, hiện tại giá gạo tấm của Ấn Độ đang cao hơn Việt Nam, do đó doanh nghiệp chưa có động thái mua vào.

Thời điểm hiện tại gạo của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gắt gao với Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho cũ của Ấn Độ chất lượng không đạt nên sớm muộn, các khách hàng truyền thống như Malaysia, Indonesia cũng quay lại với gạo Việt nhiều hơn. 



Nguồn: https://danviet.vn/tin-vui-gao-xuat-khau-5-tam-cua-viet-nam-da-quay-tro-lai-moc-400-usd-tan-20250327114000838.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm