Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến nay đã có 448 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chiều 19/2, Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Hội nghị được triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ, ngày 18/2.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18/2, Quốc hội đã bầu ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội (nhiệm kỳ 2021- 2026).
Chiều 19/2, Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Hội nghị được triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ, ngày 18/2. Ảnh: Tùng Đinh
Tiếp đó, Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cùng ngày, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy (quyết định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất 2 bộ.
Theo ông Duy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên và Môi trường được đánh giá đã rất khẩn trương trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất để trình Quốc hội thông qua, ngày 18/2.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chỉ còn 10 ngày nữa sẽ chính thức chuyển tiếp từ mô hình cũ sang mô hình mới - Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan, đơn vị của 2 bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời các công việc để Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất 2 Bộ, đã có 448 người bày tỏ nguyện vọng xin nghỉ công tác. Ảnh: Tùng Đinh
Ông Duy cho biết, trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất 2 bộ, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường có 300 người (120 người đã có đơn xin nghỉ công tác, hưởng chế độ theo Nghị định số 178) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 148 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác.
"Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn là rất khó khăn, phức tạp, tác động đến mỗi con người, vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết, sẵn sàng hi sinh nhiệm vụ của cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung", ông Duy nói.
Về quy định, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, khẩn trương rà soát, tổ chức bộ máy để báo cáo Ban chỉ đạo, Ban thường vụ Đảng ủy Bộ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho hay, ngành nông nghiệp và ngành môi trường như "một của hai", "hai trong một" và còn quá nhiều dư địa để phát triển. Theo ông, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, không giữ gìn tài nguyên, thì chính nền nông nghiệp của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh
Ông Hoan cũng cho rằng, nông nghiệp không chỉ là một ngành phụ thuộc vào môi trường, mà nếu biết cách, chính nông nghiệp có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất.
"Chúng ta không thể chọn giữa nông nghiệp phát triển hay bảo vệ môi trường, vì đó không phải là hai lựa chọn tách biệt. Chúng ta cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy "tận dụng tài nguyên" sang tư duy "hài hòa với thiên nhiên". Chúng ta cần chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ứng dụng công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thay đổi cách tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nơi giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái bền vững.
Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 2.890 công chức và hơn 12.000 viên chức công tác tại 2 Bộ trước khi hợp nhất.
Theo dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có vị trí, chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước với 45 chức năng, nhiệm vụ về các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Về cơ cấu tổ chức, sẽ có 30 đầu mối trực thuộc (giảm 25 đầu mối, tương đương hơn 45%) cụ thể: (1) Vụ Hợp tác quốc tế; (2) Vụ Kế hoạch - Tài chính; (3) Vụ Khoa học và Công nghệ; (4) Vụ Pháp chế; (5) Vụ Tổ chức cán bộ; (6) Văn phòng Bộ; (7) Thanh tra Bộ; (8) Cục Chuyển đổi số; (9) Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; (10) Cục Chăn nuôi và Thú y; (11) Cục Thủy sản và Kiểm ngư; (12) Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; (13) Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi; (14) Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; (15) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; (16) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; (17) Cục Quản lý đất đai; (18) Cục Quản lý tài nguyên nước; (19) Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; (20) Cục Môi trường; (21) Cục Biến đổi khí hậu; (22) Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; (23) Cục Khí tượng Thủy văn; (24) Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; (25) Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; (26) Cục Viễn thám quốc gia; (27) Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường; (28) Báo Nông nghiệp và Môi trường; (29) Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường; (30) Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Nguồn: https://danviet.vn/bo-truong-do-duc-duy-gan-450-nguoi-bay-to-nguyen-vong-xin-nghi-sau-khi-hop-nhat-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-20250219173042132.htm
Bình luận (0)