Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đã có cuộc trao đổi với Báo TG&VN nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024).
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. (Nguồn: VGP) |
Sau gần 40 năm Đổi mới, ông nhận định thế nào về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước?
Thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã giúp nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2024 đạt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2023, xuất siêu gần 21,5 tỷ USD.
Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay”. Có được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta vui mừng chứng kiến sau gần 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã. Chính sự lớn mạnh cùng nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội…
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng. (Ảnh: Vân Chi) |
Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân không chỉ là làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì vậy, Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ông có thể chia sẻ về việc triển khai và những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết này thời gian qua?
Nghị quyết số 41-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023, thay thế cho Nghị quyết số 09-NQ/TW. Với nhiều điểm mới, Nghị quyết số 41-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đón nhận như một món quà đặc biệt nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Nhấn mạnh quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 41-NQ/TW nêu rõ cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, VCCI đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương và trực tuyến đến hơn 4.000 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của gần 207 nghìn đại biểu.
VCCI phối hợp với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành uỷ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, hầu hết các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh/thành ủy trên cả nước đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP, ngày 9/5/2023, về chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Theo thống kê sơ bộ của VCCI, đến nay đã có 55/63 tỉnh/thành ủy, 22 ban bộ ngành trung ương và các tổ chức chính trị xã hội ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41. VCCI cũng ban hành Chương trình số 08-Ctr/ĐĐ để triển khai thực hiện Nghị quyết.
VCCI kỳ vọng các chương trình hành động được triển khai đồng bộ, thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng.
Đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, kết nối doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng, thời gian tới, VCCI có kế hoạch gì để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân?
Trải qua hơn 60 năm thành lập và phát triển, VCCI luôn khẳng định vai trò là tổ chức quốc gia, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam.
Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ 7, khóa VII, ngày 8/3. (Nguồn: VCCI) |
Chương trình số 08 mà VCCI đã ban hành bao gồm nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện nghị quyết số 41. Cụ thể là:
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước: Tiếp tục tổ chức hoạt động tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đạo đức doanh nhân; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục riêng trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông VCCI để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đội ngũ doanh nhân về vai trò, sứ mệnh,…
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến: Nâng cao chất lượng hoạt động góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách giữa Chính phủ, các bộ ngành; đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, xây dựng và công bố và Chỉ số Xanh cấp tỉnh…
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới: Chủ động xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cấp cao của VCCI liên kết với các đối tác quốc tế để bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển bền vững…
Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc: Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam; xây dựng và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp điển hình trong thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội…
Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng: Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức liên quan trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, thực chất, gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động; Hình thành và phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp vùng trong việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp giữa các vùng, địa phương.
Chủ động, tích cực tham gia quá trình thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh ủy, thành ủy; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquocte.vn/gan-40-nam-doi-moi-doi-ngu-doanh-nhan-doanh-nghiep-da-lon-manh-vuot-bac-289904.html