Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối cùng của họ vào năm 2023, và dự báo sẽ cắt giảm chi phí đi vay 3 lần trong năm tới. Đây là một dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống lạm phát.
Tín hiệu rõ ràng
Quyết định được nhiều người mong đợi của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) hôm 13/12 khiến lãi suất chủ chốt được giữ ở mức từ 5,25-5,5% kể từ tháng 7. Sau khi thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022 và đẩy chi phí đi vay lên mức cao nhất trong 22 năm tính đến mùa hè này, các quan chức đã giữ chính sách tiền tệ ổn định trong 3 cuộc họp liên tiếp.
Lập trường kiên nhẫn đó đã giúp các nhà hoạch định chính sách có thời gian để đánh giá liệu lãi suất có đủ cao để gây áp lực lên nền kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% của Fed theo thời gian hay không.
Việc lạm phát ở Mỹ đang ngày càng chậm lại và thị trường việc làm hạ nhiệt đã thuyết phục Fed rằng họ đang đi đúng hướng. Ngược lại với những thông tin trước đây, các quan chức cũng cho biết họ không mong đợi sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách của Fed hôm 13/12 đã dự kiến sẽ giảm chi phí đi vay xuống 4,5-4,75% vào cuối năm 2024. Dự báo này ngụ ý rằng Fed sẽ thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới, với 0,25 điểm phần trăm cho mỗi đợt.
Dù đã đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đã hoàn thành 2 năm thắt chặt chính sách tiền tệ và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tránh tuyên bố chiến thắng trước lạm phát và tránh bình luận về thời điểm cụ thể cho các đợt cắt giảm lãi suất hoặc tiêu chí nào sẽ đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất.
Trong một tuyên bố, Fed đã nêu ra các điều kiện mà theo đó họ sẽ xem xét “bất kỳ chính sách củng cố bổ sung nào có thể phù hợp để đưa lạm phát về mức 2% theo thời gian” – ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể không thấy cần phải tăng lãi suất thêm nữa.
Ông Powell nhắc lại rằng Fed cam kết tiến hành “cẩn thận” các quyết định lãi suất trong tương lai với kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt và đã có “tiến bộ thực sự” trong việc đẩy lùi lạm phát.
Các nhà đầu tư Phố Wall đang đặt cược rằng việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu ngay sau tháng 3, trong khi các nhà kinh tế dự đoán chi phí đi vay sẽ giảm từ tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau.
Dù thế nào chăng nữa, thị trường vẫn vui mừng khi Fed vẽ ra một tầm nhìn lạc quan về một tương lai lãi suất thấp hơn. Hôm 13/12, S&P 500 đóng cửa tăng 1,37% trong khi Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đóng cửa ở mức cao kỷ lục sau khi tăng 1,4% – mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống khoảng 4% từ mức 4,21% vào ngày 12/12.
Lần này có thể khác
Người Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát nhanh chóng kể từ khi giá cả bắt đầu tăng nhanh vào đầu năm 2021. Chi phí ban đầu tăng vọt khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu hụt các sản phẩm bao gồm ô tô và đồ nội thất xuất hiện. Lạm phát sau đó trở nên trầm trọng hơn do chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt theo sau sự bùng phát của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Những cú sốc lớn đó đã kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ: Các hộ gia đình đã tiết kiệm rất nhiều tiền trong thời kỳ đại dịch, một phần nhờ họ nhận được các khoản cứu trợ từ chính phủ. Khi họ chi tiêu nhiệt tình, các công ty có đủ cơ sở để tăng giá mà không khiến khách hàng sợ hãi. Bản thân các công ty bắt đầu phải trả nhiều tiền hơn để thu hút nhân viên trong một thị trường lao động mạnh mẽ với nhiều cơ hội việc làm hơn số lượng ứng viên sẵn có.
Đó là lúc Fed phải vào cuộc. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nhanh chóng nâng chi phí đi vay, bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái – thậm chí thực hiện một loạt mức tăng khổng lồ 0,75 điểm phần trăm – khiến các khoản vay để mua nhà, mua ô tô trở nên đắt đỏ hơn. Mục tiêu là làm giảm nhu cầu và làm suy yếu thị trường lao động đang bùng nổ.
Trong những tháng gần đây, sự kết hợp giữa việc chuỗi cung ứng phục hồi và nhu cầu yếu hơn một chút đã bắt đầu khiến lạm phát giảm xuống một cách đáng kể. Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 12/12 cho thấy mức tăng giá tiêu dùng tổng thể chậm lại ở mức 3,1% trong tháng 11, giảm mạnh so với mức 9,1% vào thời kỳ đỉnh cao là tháng 6/2022.
Ấn bản tháng 11 về thước đo lạm phát ưa thích của Fed, là một bản riêng biệt nhưng có liên quan và xuất bản muộn hơn, dự kiến phát hành vào ngày 22/12.
Các quan chức Fed cũng vui mừng khi thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt. Cơ hội việc làm giảm đáng kể và tốc độ tuyển dụng vẫn mạnh mẽ nhưng không còn quá nóng. Khi cung và cầu về người lao động cân bằng, mức tăng lương đã chậm lại.
Các quan chức cho rằng mức tăng lương khiêm tốn hơn có thể mở đường cho việc tăng giá dịch vụ chậm hơn – các giao dịch mua phi vật chất như cắt tóc và tiền thuê nhà – vốn đã thay thế hàng hóa trở thành động lực chính gây ra lạm phát.
Trong lịch sử, những nỗ lực giảm lạm phát bằng cách làm chậm nhu cầu đã kết thúc trong một cuộc suy thoái. Nhưng các quan chức ngày càng hy vọng rằng lần này có thể khác.
Các dự báo kinh tế của Fed công bố hôm 13/12 cho thấy các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% vào năm 2026. Chúng cũng cho thấy các quan chức vẫn kỳ vọng tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ, đạt 4,1% vào năm tới, do tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tích cực.
Đó sẽ là một thắng lợi lớn cho Fed, đặc biệt khi xét đến việc nhiều nhà dự báo đã dự đoán một cuộc suy thoái vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè này.
Ông Powell nhắc lại rằng ông “luôn” nhìn thấy con đường hướng tới việc giảm lạm phát mà không gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, đồng thời lưu ý rằng nền kinh tế dường như đang đạt được tiến bộ theo hướng mà các nhà kinh tế gọi là “hạ cánh mềm” khi thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ và lạm phát nguội đi.
“Lạm phát tiếp tục giảm, thị trường lao động dần cân bằng trở lại”, ông Powell cho biết hôm 13/12. “Cho đến nay, mọi chuyện vẫn rất tốt. Mặc dù chúng tôi cho rằng tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn từ đây, nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra”.
Minh Đức (Theo NY Times, Financial Times)