Việc cắt giảm lãi suất “mạnh tay” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 18/9 làm dấy lên những đồn đoán về việc cơ quan này đang nắm giữ thông tin quan trọng về nền kinh tế Mỹ nhưng không tiết lộ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hẳn phải cảm thấy nhẹ nhõm vì cách các nhà đầu tư toàn cầu phản ứng với việc cơ quan này lần đầu tiên mạnh tay giảm lãi suất sau hơn 4 năm qua – kể từ thời điểm tháng 3/2020 khi thị trường phải đưa ra phản ứng khẩn cấp để đối phó với tình trạng đóng cửa kinh tế do sự lây lan của đại dịch Covid-19. Thị trường đón nhận động thái nới lỏng 50 điểm cơ bản lớn hơn dự kiến rất bình tĩnh.
Bắt đầu từ tháng 3/2022, khi lạm phát leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm, Fed bắt đầu lộ trình thắt chặt lãi suất. Trong lộ trình này, Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản 4 lần liên tiếp và lần cuối cùng tăng lãi suất là vào tháng 7/2023.
Quyết định lần này của Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức 4,75%-5%. Mức lãi suất này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, mà còn tác động tới nhiều mức chi phí tiêu dùng khác như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Nguồn: AFP) |
Suy cho cùng, việc Fed hạ lãi suất xuống phạm vi 4,75%-5% được cho là mức thông thường trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái hoặc khủng hoảng.
Bước tiến tới chính sách tiền tệ dân túy?
Nhà kinh tế David Roche, người sáng lập Global Strategy, cho biết: “Động thái cắt giảm ‘siêu khủng’ này đánh dấu một bước tiến tới chính sách tiền tệ dân túy của Fed. Thị trường muốn điều này, phương tiện truyền thông cũng định hướng điều này. Nhưng nền kinh tế Mỹ – vốn đã cân bằng lại – không cần điều này”.
Chuyên gia David Roche đặt vấn đề, “quyết định này liệu có sáng suốt khi quá chú trọng vào mục tiêu việc làm của Fed hơn là mục tiêu lạm phát. Đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về những gì Fed biết về thị trường lao động mà những người khác không biết. Điều này cũng chỉ ra rằng Fed đang đặt mức lãi suất cân bằng thấp hơn nhiều so với mức mà động lực của nền kinh tế Mỹ đang vận hành”.
Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, lưu ý rằng đợt cắt giảm hôm thứ Tư (18/9) “có vẻ quá mạnh tay, trừ khi bạn biết nền kinh tế sẽ bắt đầu suy yếu đáng kể”. Nhà kinh tế Ryan Sweet tại Oxford Economics tự hỏi liệu Fed có thừa nhận rằng họ nên nới lỏng sớm hơn hay không?
Theo ông này, Fed trên thực tế “không thích thừa nhận những sai lầm về chính sách” và quyết định cắt giảm lãi suất vừa xong như một “đòn phủ đầu nhằm tăng khả năng cho thấy Ngân hàng Trung ương có thể giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm”.
Nhật Bản giữ nguyên lãi suất
Tại châu Á, các chuyên gia kinh tế đang đứng trước nỗi lo lắng, liệu rằng các quan chức Fed biết điều gì mà thị trường toàn cầu không hề hay biết?
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía Tokyo. Hôm thứ Năm (19/9), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Hồi cuối tháng 7, ngân hàng này đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008 – 0,25%. Tuần này, BOJ giữ vững lập trường giữ nguyên lãi suất vì dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong tương lai.
BOJ cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp: “Nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi vừa phải, mặc dù một số điểm yếu đã phần nào được nhìn thấy”.
Đối với các nhà kinh tế, giờ là lúc phân tích động thái của BOJ để xem cơ quan này có thể thắt chặt tiền tệ hơn nữa vào cuối năm nay. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ nhất của chính sách thắt chặt cũng có thể khiến đồng Yen tăng vọt.
Đồng Yen tăng khoảng 6% kể từ hôm 31/7 đang thúc đẩy nhiều đồn đoán trên các thị trường châu Á. Các dấu hiệu cho thấy Thống đốc BOJ Kazuo Ueda có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay có thể khiến “giao dịch chênh lệch tỷ giá Yen cân bằng” bị đảo lộn.
Tuần này, BOJ giữ vững lập trường giữ nguyên lãi suất vì dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong tương lai. (Nguồn: Getty) |
Hai mươi lăm năm giữ lãi suất ở mức 0 đã biến Nhật Bản thành quốc gia cho vay hàng đầu thế giới. Trong nhiều thập kỷ, các quỹ đầu tư đã vay rẻ bằng đồng Yen để đặt cược vào các tài sản có lợi nhuận cao hơn trên toàn cầu. Vì vậy, những động thái thay đổi đột ngột của đồng Yen có thể “giáng đòn mạnh” vào thị trường ở khắp nơi.
Trung Quốc gây bất ngờ
Những động thái từ Trung Quốc cũng gây bất ngờ cho thị trường khi ngày 20/9, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay thế chấp, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm giúp phục hồi thị trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm (LPR), được các ngân hàng Trung Quốc sử dụng rộng rãi làm tham chiếu cho lãi suất thế chấp, vẫn giữ nguyên ở mức 3,85%.
Trước đó, một cuộc khảo sát của Reuters từng dự đoán lãi suất LPR sẽ được cắt giảm, đặc biệt là sau khi Fed “mạnh tay” cắt giảm lãi suất. “Tôi rất bất ngờ vì trước đó dự đoán PBOC sẽ làm theo Fed và cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản 10 điểm phần trăm”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed cắt giảm lãi suất cho phép Trung Quốc có nhiều sự linh hoạt hơn về tiền tệ để tập trung vào việc giảm gánh nặng nợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khi nước này tìm cách thúc đẩy đầu tư và chi tiêu.
Trước đó, Trung Quốc từng khiến thị trường ngạc nhiên khi cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn lớn vào tháng 7, trong một động thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh suy yếu.
Vào tháng 8, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư đô thị của Trung Quốc đều tăng chậm hơn dự kiến, không đạt kỳ vọng của các nhà kinh tế – theo thăm dò của Reuters. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi giá nhà theo năm giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm.
“Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng đã nhấn mạnh động lực ảm đạm trong nền kinh tế và kêu gọi chính phủ triển khai nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất có thể sẽ không đủ để xoay chuyển tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc” – theo các chuyên gia nhận định trên chương trình Street Signs Asia của CNBC ngày 20/9.
Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại KraneShares nhấn mạnh cần có thêm hỗ trợ tài chính để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và tăng giá bất động sản. Ông này cũng cho rằng, Bắc Kinh sẽ chứng kiến sự phục hồi kinh tế hiệu quả hơn khi giá nhà ngừng giảm.
Một số ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống dưới mục tiêu chính thức 5% của chính phủ. Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc xuống 4,8% và Citigroup đã cắt giảm dự báo xuống còn 4,7%.
Hướng đi của Fed?
Hướng đi chính sách của Fed cũng là một biến số quan trọng khi nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, chậm lại. Điều đó đặc biệt đúng khi đã có sự rạn nứt rõ ràng tại trụ sở Fed.
“Tôi đoán là đang có sự chia rẽ”, cựu Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan nói với CNBC. Theo ông này, điều rủi ro là dường như đương kim Chủ tịch Fed Jerome Powell đang đặt hình ảnh lên trên việc hoạch định chính sách kinh tế một cách thận trọng.
Đối với Fed, theo Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu hàng đầu tại Principal Asset Management, cho biết, “điều quan trọng là phải quyết định xem rủi ro nào đáng kể hơn: tái bùng phát áp lực lạm phát nếu cắt giảm 50 điểm cơ bản, hay đe dọa suy thoái nếu họ chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản. Sau khi đã bị chỉ trích vì phản ứng quá chậm với cuộc khủng hoảng lạm phát, Fed có thể sẽ cảnh giác với việc phản ứng, thay vì chủ động, trước rủi ro suy thoái”.
Một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách châu Á đang tự hỏi ông Jerome Powell đang nhìn thấy điều gì mà họ không thấy.
Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho biết: “Mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy sự đồng thuận và mong đợi một cuộc hạ cánh mềm, nhưng thị trường lãi suất lại đang định giá trong một cuộc suy thoái toàn diện”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dang-sau-quyet-dinh-ha-lai-suat-cua-fed-chau-a-ban-khoan-lo-lang-dieu-gi-an-giau-sau-tam-man-287183.html