Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa cảnh báo một lần nữa rằng 27 quốc gia thành viên EU nên giảm thiểu rủi ro (de-risking) trong mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, và rằng nếu các chính phủ không hành động, các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc cuối cùng sẽ gặp rắc rối.
Phát biểu trước các nhà lập pháp bảo thủ tại Bundestag (Quốc hội) Đức ở Berlin hôm 16/11, bà Von der Leyen đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về quan hệ song phương ngay trước thềm chuyến công du của bà tới Bắc Kinh vào tháng tới để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc.
Đây là nỗ lực mới nhất của người đứng đầu cơ quan điều hành EU nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho chương trình nghị sự giảm thiểu rủi ro của mình.
Theo bà Von der Leyen, toàn bộ các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị mà Trung Quốc từng phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới đang ngày càng được chuyển dịch sang nội địa. Nhiều nhà đầu tư châu Âu thích gọi đây là “ở Trung Quốc vì Trung Quốc”. “Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng cho đến khi các công ty châu Âu bị cạnh tranh bởi Trung Quốc hoặc bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn chính trị”, bà cảnh báo.
Trong bối cảnh các quốc gia thành viên phản ứng khá thờ ơ đối với chiến lược an ninh kinh tế của mình, bà nói: “Địa chính trị và địa kinh tế cần phải được xem xét chặt chẽ hơn nữa và giải quyết ở cấp độ châu Âu”.
“Chúng ta đã tăng cường sàng lọc đầu tư và kiểm soát xuất khẩu sang châu Âu, đồng thời hiệu chỉnh chính xác trách nhiệm của người chơi ở mọi cấp độ. Điều này có nghĩa là không chỉ châu Âu mà cả các quốc gia thành viên ở các cấp độ khác nhau – tất cả đều phải đóng góp vào bức tranh tổng thể”, bà Von der Leyen cho biết.
Lưu ý về mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU cao nhất trong lịch sử vào năm ngoái, ở mức gần 400 tỷ Euro, bà Von der Leyen cho biết đây là một trong những biến dạng của thị trường và nó sẽ trầm trọng hơn nếu khối này không đạt được một sân chơi bình đẳng trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Người đứng đầu khối 27 thành viên nhấn mạnh rằng điều trên cũng là mục tiêu chính của Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 7-8/12 tới. EU sẽ bảo vệ lợi ích của mình nhưng cũng sẽ tìm cách giải quyết những bất đồng với Trung Quốc thông qua đối thoại, bà cho biết.
“Chúng tôi sẽ đến Trung Quốc với thiện chí”, bà nói. “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngại nêu lên mối quan ngại của mình. Nhưng chúng tôi phải dành không gian cho cuộc thảo luận về một mối quan hệ đầy tham vọng hơn, có lợi cho cả hai bên”. Bà cũng mong đợi hành động từ Trung Quốc để giải quyết sự mất cân bằng hiện tại.
Trước đó, hôm 13/11, các Ngoại trưởng EU một lần nữa đã gạt cuộc tranh luận về an ninh kinh tế ra khỏi chương trình nghị sự tại cuộc họp hàng tháng của họ.
Chiến lược giảm thiểu rủi ro, được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 6, có thể áp dụng các hạn chế đối với đầu tư của các công ty tư nhân vào một số lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc và mở rộng chế độ kiểm soát xuất khẩu của EU.
Tuy nhiên, một số chính phủ thành viên EU không đặt niềm tin vào triển vọng này vì thiếu sự đồng thuận trong việc xử lý các vấn đề vốn thường được thực hiện ở cấp độ quốc gia chứ không phải cấp độ liên minh. Việc dựng lên thêm các rào cản thương mại cũng vấp phải nhiều sự phản đối.
Minh Đức (Theo SCMP, Reuters)