Chiều 1.12 (giờ địa phương), nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP cùng với nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (viết tắt là IPG).
JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU tại Brussel (Bỉ) tháng 12.2022.
Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3 – 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong đó, khoảng 7,75 tỉ USD do nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỉ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Đồng thời, phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.
Kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại Hội nghị COP28 được xem là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững. Sự hợp tác quốc tế và cam kết của các đối tác sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là cố gắng lớn. Từ sau Hội nghị COP26 đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp cả về địa chính trị, biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan.
Về phía Việt Nam, từ sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã triển khai được rất nhiều việc như xây dựng chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch phát triển năng lượng bền vững, Quy hoạch điện VIII gắn với góp phần giải quyết điện gió và mặt trời…
Việt Nam cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Việt Nam luôn lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỉ USD thành những dự án mang tính đột phá; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tương lai thịnh vượng cho mọi người dân, tăng trưởng kinh tế, tự chủ và an ninh năng lượng của Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng kế hoạch huy động nguồn lực là dấu ấn quan trọng trong quá trình triển khai JETP, thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng; đồng thời khẳng định EU tự hào trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình này.
Bà cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần bền vững, bảo đảm giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho mọi người dân.
Quốc vụ khanh của Anh phụ trách năng lượng nhấn mạnh, kế hoạch huy động nguồn lực không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và kinh tế đầy tham vọng mà còn mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động từ phát triển sạch, không để ai bị bỏ lại phía sau. Anh và các nước đối tác đứng đằng sau ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam, theo nhu cầu của chính Việt Nam.
JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết trong lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng.
Sự kiện quan trọng này là bước triển khai đầu tiên để thực hiện JETP, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.