(CLO) Hội nghị khẩn cấp của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã diễn ra tại Paris vào thứ Hai để thảo luận về cuộc chiến Ukraine và an ninh châu Âu, sau khi Mỹ thay đổi chính sách với lục địa này và đang đàm phán riêng với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
"Hòa bình thông qua sức mạnh"
Cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu này đã nhất trí rằng Ukraine xứng đáng có được "hòa bình thông qua sức mạnh" trong cuộc chiến với Nga, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm thứ Hai.
"Hôm nay tại Paris, chúng tôi tái khẳng định rằng Ukraine xứng đáng có được hòa bình thông qua sức mạnh", bà đăng trên X. Trước đó, đặc phái viên Mỹ tại Ukraine, Keith Kellogg, cho biết châu Âu sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán về Ukraine, mặc dù vẫn có "ý kiến đóng góp".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón Thủ tướng Anh Keir Starmer đến tham dự hội nghị. Ảnh chụp màn hình
Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết hôm thứ Hai khi đến thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út rằng các cuộc đàm phán về Ukraine sẽ chỉ mang tính song phương, theo hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga đưa tin.
"Chúng tôi đến để đàm phán với các đồng nghiệp Mỹ", RIA trích lời Ushakov. "Đây là các cuộc đàm phán song phương, hoàn toàn song phương. Không thể có các cuộc đàm phán ba bên ở Riyadh".
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tại cuộc họp ở Paris hôm thứ Hai rằng họ phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, cũng như sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu ký kết lệnh ngừng bắn mà không có thỏa thuận hòa bình cùng lúc.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh, với các phương thức sẽ được xem xét với từng bên, tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ", một quan chức của Liên minh châu Âu tóm tắt kết quả của cuộc họp tại Paris.
Tổng thống Zelenskyy cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Hai rằng Mỹ đang cố gắng "làm hài lòng" Moscow trong các cuộc đàm phán về Ukraine và cảnh báo về "điểm yếu" của quân đội châu Âu. "Họ muốn nhanh chóng gặp nhau và giành chiến thắng nhanh chóng. Nhưng điều họ muốn - 'chỉ là lệnh ngừng bắn' không phải là chiến thắng".
Tranh cãi về việc triển khai quân đến Ukraine
Tuy nhiên, ba giờ hội đàm khẩn cấp tại Điện Elysee ở Paris không đủ để khiến các nhà lãnh đạo Đức, Vương quốc Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, NATO và Liên minh châu Âu có quan điểm chung về khả năng triển khai quân gìn giữ hòa bình ở Ukraine như đề xuất của một số nước, gồm Vương quốc Anh.
Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong khi tái khẳng định ông sẵn sàng cân nhắc việc gửi quân đội Anh đến Ukraine cùng với các lực lượng khác "nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài".
Tuy nhiên, đã có sự rạn nứt với một số quốc gia EU, như Ba Lan, khi họ tuyên bố không muốn dấu ấn quân sự của mình trên đất Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron vẫn chưa đưa ra cam kết.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof thừa nhận rằng người châu Âu “cần đi đến một kết luận chung về những gì chúng ta có thể đóng góp, đồng thời nói thêm rằng “chỉ ngồi tại bàn mà không đóng góp là vô nghĩa”.
Tổng thống Zelenskyy cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng ông đã trao đổi với Tổng thống Macron về việc đảm bảo an ninh và đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine. "Chúng ta có chung tầm nhìn: đảm bảo an ninh phải mạnh mẽ và đáng tin cậy", Zelenskyy phát biểu trên X.
Vẫn cần “sự bảo vệ của Hoa Kỳ” và NATO
Dù thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm, song các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn thừa nhận sự phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho EU và Ukraine. Thủ tướng Anh Starmer cho biết “sự bảo vệ của Hoa Kỳ” là biện pháp phòng thủ duy nhất của Ukraine trước Nga
"Tôi sẵn sàng cân nhắc việc triển khai quân đội Anh trên bộ cùng với các lực lượng khác nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài, nhưng phải có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ", ông Starmer phát biểu sau một cuộc họp của châu Âu tại Paris.
Sau đó, ông xác nhận một tuyên bố trước đó từ người phát ngôn chính phủ rằng ông sẽ tới Washington vào tuần tới để gặp Tổng thống Donald Trump "và thảo luận về những gì chúng tôi coi là các yếu tố chính của một nền hòa bình lâu dài".
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết hôm thứ Hai rằng châu Âu nhận thức được mối quan hệ với Mỹ đã bước vào "giai đoạn mới", sau khi ông tham dự cuộc họp khẩn cấp về an ninh tại Paris.
"Mọi người tại cuộc họp này đều biết rằng quan hệ xuyên Đại Tây Dương, liên minh NATO và tình hữu nghị của chúng tôi với Hoa Kỳ đã bước vào một giai đoạn mới. Tất cả chúng ta đều thấy điều đó", ông Tusk nói với các phóng viên tại Paris.
Ông Tusk cho biết "không có lý do gì để tức giận khi đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta nói rằng hãy chi tiêu nhiều hơn, mạnh hơn, kiên cường hơn. Những lời này hoàn toàn có cơ sở thực tế".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Hai cho biết bất kỳ cuộc tranh luận nào về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine hiện nay đều "hoàn toàn vội vã" và "hoàn toàn không phù hợp" trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra.
Nhà lãnh đạo Đức nói thêm rằng châu Âu và Mỹ phải luôn hành động cùng nhau về an ninh. "Không được có sự phân chia an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Hoa Kỳ", ông Scholz phát biểu tại Paris. "NATO dựa trên việc chúng ta luôn hành động cùng nhau và chia sẻ rủi ro, do đó đảm bảo an ninh của chúng ta. Điều này không nên bị nghi ngờ".
Hoàng Hải (theo France24, DW, RIA)
Nguồn: https://www.congluan.vn/hoi-nghi-an-ninh-khan-cap-chau-au-doan-ket-ung-ho-ukraine-van-can-my-ho-tro-post334942.html
Bình luận (0)