La construcción de marca: la "clave" para aumentar el valor de los productos agrícolas

Việt NamViệt Nam04/02/2025


Việc xây dựng thương hiệu (TH) cho nông sản (NS) là “chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý nhãn hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sẽ giúp NS vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Vĩnh Long có nhiều nông sản đặc trưng, lợi thế để phát triển thương hiệu nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Vĩnh Long có nhiều nông sản đặc trưng, lợi thế để phát triển thương hiệu nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.


“Chìa khóa” nâng cao giá trị nông sản


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng TH không chỉ giúp NS địa phương tăng sức cạnh tranh mà còn tạo giá trị bền vững cho người sản xuất. Theo đó, nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức về canh tác, bảo quản, tiếp thị sản phẩm và quản lý bán hàng. Tiếp cận với đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý… giúp bảo vệ TH, khẳng định đặc trưng vùng miền, thúc đẩy quảng bá du lịch địa phương và phát triển kinh tế nông thôn.


Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, một số TH NS tiêu biểu của Vĩnh Long như gạo Phước Thành IV, kẹo Sơn Hải, nước mắm Gia Hỷ, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trà khổ qua rừng Agripure… bước đầu khẳng định vị thế trên thị trường nhờ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại hiệu quả, đồng thời mức tăng trưởng doanh thu bình quân của các TH này đạt khá tốt, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần xây dựng TH NS Vĩnh Long ngày càng vững chắc. 


Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 159 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trong đó có 59 sản phẩm đạt 4 sao; 4 sản phẩm đề xuất Trung ương đánh giá 5 sao; 100 sản phẩm đạt 3 sao) với 98 chủ thể. Cạnh đó, có 4 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 19 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 91 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh. Các doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.


Đồng thời, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho NS. Năm 2012, tỉnh đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi năm roi và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đến năm 2023, tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho NS, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm khóm tươi gắn với địa danh Bưng Sẩm và hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý Bình Tân cho sản phẩm khoai lang…


Tại mô hình 5ha trồng dưa lưới công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP của Công ty CP Nông nghiệp 620 (xã Tân Thành, huyện Bình Tân), anh Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc công ty, chia sẻ: Để xây dựng TH cho sản phẩm hiệu quả, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn an toàn trong sản xuất, chứng minh nguồn gốc và chất lượng NS thông qua các chứng nhận của cơ quan chuyên môn và đặc biệt chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, mỗi vụ dưa lưới có thể đạt sản lượng gần 15 tấn/tuần/nhà màng, đáp ứng nhu cầu các thị trường lớn như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.


Theo PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế (ĐH Cần Thơ): TH đóng vai trò quan trọng đối với cả doanh nghiệp và khách hàng. Đối với doanh nghiệp, TH giúp tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dễ dàng phân biệt với các sản phẩm khác trên thị trường. Một TH mạnh không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng trung thành mà còn góp phần chiếm lĩnh thị phần, duy trì mức giá bán cao và tối đa hóa lợi nhuận.

Bên cạnh đó, TH còn là tài sản vô hình quý giá, giúp doanh nghiệp xác nhận quyền sở hữu, bảo vệ hợp pháp các đặc điểm riêng biệt của sản phẩm và đơn giản hóa quá trình truy xuất nguồn gốc. Đối với khách hàng, TH giúp xác định rõ nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin vào chất lượng và uy tín của nhà sản xuất. TH cũng là công cụ quan trọng hỗ trợ khách hàng trong quá trình ra quyết định mua sắm, tiết kiệm thời gian tìm hiểu thông tin và giảm thiểu rủi ro khi lựa chọn sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mang TH uy tín luôn chiếm được sự ưu tiên, lòng tin của người tiêu dùng.


Cần giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản hiệu quả


Vĩnh Long có nhiều NS đặc trưng, lợi thế để phát triển TH NS và nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa có TH mạnh, nên chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, việc xây dựng TH cho NS là “bài toán khó” trong hành trình nâng tầm giá trị NS.

 


Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Dù sở hữu lợi thế về điều kiện tự nhiên với 78% diện tích đất dành cho nông nghiệp, nhưng sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Điều này gây khó khăn trong việc đồng bộ chất lượng sản phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình và phát triển TH.

Thêm vào đó, sự hạn chế trong đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa tạo được dấu ấn riêng, làm giảm sức cạnh tranh và giá trị TH trên thị trường. Đây là những rào cản lớn, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để từng bước mở rộng TH NS Vĩnh Long trên thị trường trong nước và thế giới.


PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải cho rằng: Việc xây dựng và quản lý TH NS hiện nay còn nhiều hạn chế. Đối với vùng sản xuất bảo hộ, tình trạng không tuân thủ quy định kỹ thuật làm suy giảm chất lượng và uy tín sản phẩm. Công tác quản lý chỉ dẫn địa lý thiếu khung chính sách thống nhất, dẫn đến sự chồng chéo giữa các địa phương và nguồn lực hạn chế.

Nhãn hiệu tập thế gặp khó khăn do nhiều nơi chưa thành lập được HTX hoặc HTX hoạt động chưa hiệu quả, gây cản trở trong việc khai thác, phát triển TH. Đối với nhãn hiệu cá nhân, việc quản lý chủ yếu do cơ quan nhà nước kiêm nhiệm, thiếu nguồn lực, vướng mắc pháp lý và hạn chế trong hoạt động quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP chưa thực sự chú trọng vào nâng cao chất lượng, phát triển kênh phân phối bền vững, khiến hiệu quả TH chưa đạt như kỳ vọng.


“Có 3 quá trình tiếp cận việc xây dựng TH NS. Thứ nhất, xây dựng TH doanh nghiệp giúp khẳng định uy tín và giá trị sản phẩm của từng doanh nghiệp trên thị trường. Thứ hai, xây dựng TH vùng, miền gắn với đặc trưng địa lý, giúp NS địa phương nổi bật, dễ nhận diện. Thứ ba, xây dựng TH quốc gia nhằm nâng tầm NS Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Song song đó, các chính sách về chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, thủy sản, chăn nuôi và chương trình OCOP là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình này”- ông Hải cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, để phát triển TH NS bền vững, Vĩnh Long tập trung vào 3 giải pháp chính: Đẩy mạnh tuyên truyền về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, chuyển giao khoa học- công nghệ mới; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng TH, đăng ký sở hữu trí tuệ, phát triển hệ thống logistics, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Song song đó, tỉnh chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển TH NS, đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: SONG THẢO



Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202502/xay-dung-thuong-hieu-chia-khoa-nang-cao-gia-tri-nong-san-6271170/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available