Ông Vũ Thắng (ngoài cùng bìa trái). Ảnh: Tư liệu |
Quãng thời gian ông Vũ Thắng đảm đương vai trò Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1982-1995), lúc đó Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận, Liên Xô và Đông Âu tan rã, nhiều đảng viên hoang mang xin ra khỏi Đảng. Huế trở thành “điểm nóng” về tôn giáo. Nông thôn có nơi an ninh trật tự bất ổn; hậu quả chiến tranh nặng nề; kinh tế biển tê liệt; cư dân đầm phá điêu đứng vì bão, ven biển và miền núi có những vùng bị cô lập. Khó khăn trăm bề, nhưng với phẩm chất của “người lính Cụ Hồ”, trên cương vị của mình, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã cùng Đảng bộ bình tĩnh chèo chống, xử lý. Chưa hẳn mọi việc đều hoàn hảo nhưng trong bối cảnh xã hội cần duy trì sự ổn định, thì không thể khác.
Năm 1989, sau khi chấm dứt cái cảnh “Tỉnh dài, huyện rộng, xã to”, trong một lần lên A Lưới, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã trao đổi với tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Sắc về 3 dự án liên quan đến ngành giao thông, đó là thông trục đường 12, xây cầu Thuận An và mở lại sân bay Phú Bài.
Năm 1990, dưới sự chỉ huy của Giám đốc Nguyễn Khắc Hoàng, Sở Giao thông Vận tải đã chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nguồn lực để xây cầu Thuận An. Tuy chỉ có một làn xe nhưng khi khánh thành bà con sống bên kia đầm Thủy Tú - Cầu Hai mừng đến phát khóc. Và đối với Đảng bộ Thừa Thiên Huế, chính công trình này mở đầu cho công cuộc đột phá nhằm chấm dứt cảnh “nước cách sông ngăn” ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Từ gập ghềnh và đầy trắc trở sau khi khai thông, Tỉnh lộ 12 dần dần đã chuyển thành Quốc lộ 49. Nhờ thế A Lưới xa hóa gần.
Còn sân bay Phú Bài, do hàng rào B40 bị tháo dỡ đem bán nên hai bên đường băng trở thành nơi chăn thả trâu bò; bê tông đổ sân thậm chí bị cạy mang về xây móng nhà. Vận động, khắc phục, cuối cùng sân bay Phú Bài đã hoạt động trở lại.
Hình ảnh đọng lại trong tôi là năm 1995, khi đội bóng Huế lần đầu tiên giành ngôi Á quân giải bóng đá quốc gia, biết tin “những đứa con cưng” của mình sẽ đáp xuống sân bay Phú Bài nên cả vạn người tụ về hân hoan chào đón, hàng trăm người tràn vào sân, thuyết phục không được nên phụ trách sân bay dùng loa dọa “nếu bà con không ra, máy bay buộc phải xuống Đà Nẵng”.
Chứng kiến hàng vạn người nối đuôi nhau chạy theo xe chở đội bóng reo hò, tôi tự hỏi có phải Huế là nơi đầu tiên xuất phát phong trào “đi bão” và “dám thưởng” cho HLV Ninh Văn Bảo một chiếc xe máy Dream?
Dưới thời ông Vũ Thắng làm Bí thư, do quá nghèo nên Đảng bộ Thừa Thiên Huế tính đến chuyện tạo đột phá về nguồn thu. Năm 1991, từ nguồn vốn vay và huy động, Nhà máy bia Huda chào đời và đến nay tuy đã đổi chủ nhưng thương hiệu bia Huda đứng vững và quan trọng hơn nhà máy bia vẫn đóng góp khoảng từ 25-30% cho ngân sách địa phương.
Năm 1992 khởi công xây dựng Nhà máy Luksvaxi - một dự án liên doanh giữa Tập đoàn Luks (Hồng Kông) với Công ty sản xuất VLXD Thừa Thiên Huế.
Sau khi hoàn tất lễ nghi, phía đối tác muốn mời Bí thư Tỉnh ủy dự lễ cúng của riêng họ và ông nhận lời. Trên đường về ông tâm sự, mình đã mời người ta vào làm ăn thì đừng câu nệ. Họ có tin mình mới dám bỏ vốn đầu tư. Nếu việc chi cũng ngại thì ai dám đến. Mình lo một nhưng họ lo mười!
Cái tinh thần “cùng chia sẻ”, có thể lan tỏa từ đó.
Về dịch vụ du lịch, dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã khởi công xây dựng khách sạn Century. Công trình do KTS Ngô Viết Thụ - bạn của ông từ thời họ cùng ở trong Đội cảm tử quân đánh Pháp - thiết kế. Tháng 2/1947, Mặt trận Huế vỡ, theo chủ trương, Tiểu đội phó Võ Phi Trắng (tức Vũ Thắng) lên chiến khu Hòa Mỹ; còn Cảm tử quân Ngô Viết Thụ xin trở về quê chăm sóc cha mẹ già. Khách sạn Century khởi công đã lâu nhưng do thiếu vốn nên kéo dài mãi đến sau này mới hoàn thiện.
Sau khi cho khai thông con đường, dưới thời Bí thư Vũ Thắng, Đảng bộ đã động viên các doanh nghiệp nhà nước lên sửa sang, tu bổ những ngôi biệt thự còn sót lại. Điện, nước đủ cả, với hy vọng du lịch Bạch Mã hồi sinh.
Sự đời, không phải muốn là được. Con đường cao, dài và hẹp, khó đảm bảo an toàn cho du khách là trở ngại đầu tiên. Kế đến, Bạch Mã là “túi mưa”. Khác với Bà Nà bên cạnh, lượng mưa và độ ẩm ở Bạch Mã cao nhất nước nên thiếu hơi ấm chỉ sau vài đêm, chăn nệm, tường nhà đầy ẩm mốc. Không có doanh nghiệp nào bám trụ được vì trên thực tế một năm chỉ khai khác được mấy tháng hè.
Dẫn ra thành công cùng thất bại để thấy rằng, trong mười mấy năm làm Bí thư Tỉnh ủy, cùng Đảng bộ, ông Vũ Thắng đã trăn trở, xoay xở đủ đường trong tình cảnh Thừa Thiên Huế vẫn còn dư âm của một câu ca truyền tụng trước đó: “Quê em ở giữa hai đèo. Ấm no thỉnh thoảng, đói nghèo thường xuyên”!
Như nhiều cán bộ trung, cao cấp, sau năm 1975, ông Vũ Thắng được Ủy ban Quân quản Huế giao sử dụng ngôi nhà 65 Mai Thúc Loan trong Thành Nội. Ngôi nhà này tọa lạc trên khuôn viên đất rộng hơn 1.000m2. Năm 1996 nghỉ hưu, ông Vũ Thắng dứt khoát không xin mua hóa giá như nhiều người khác mà trả lại cho Nhà nước.
Ông tâm niệm “Cái gì không phải của mình thì không nên ham hố. Đất ở đây rộng quá nên giao lại để nhà nước làm việc khác”.
Hơn 50 năm phụng sự lý tưởng Đảng, một lòng lo cho nước cho dân, với tôi, ông Vũ Thắng vẫn luôn là tấm gương của một người Cộng sản mẫu mực. |
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/mot-bi-thu-tinh-uy-mau-muc-150642.html
Kommentar (0)