Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Trên chặng đường 75 năm từ khi thành lập tỉnh (năm 1950) đến nay, khu vực KTTT với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh sớm có phong trào HTX từ những năm 1950 và được phát triển mạnh vào những năm 1960. Về sau, trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế HTX đã gặp phải không ít khó khăn, thậm chí có giai đoạn thoái trào.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: Thế Hùng
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành trong tỉnh cùng sự tự chủ, nỗ lực vươn lên của các HTX, đến nay khu vực KTTT của tỉnh đã và đang được củng cố, phát triển.
Điều này được chứng minh rõ nét qua sự gia tăng số lượng HTX thành lập mới hằng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 800 HTX, tăng hơn 300 HTX so với năm 2010. Ngoài ra, trong tỉnh còn có 21 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX đang hoạt động.
Cùng với sự tăng lên về số lượng, tổ chức bộ máy quản lý HTX đã được tinh giản, gọn nhẹ. Nhiều HTX đã được sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, các HTX được tăng cường theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển. Đồng thời, hợp tác giữa các thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.
Các HTX nông nghiệp giờ đây không chỉ làm khâu trung gian cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp để hưởng phần trăm hoa hồng mà còn tích tụ ruộng đất, hình thành nên các cánh đồng lớn; ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất làm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm làm ra; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX phi nông nghiệp cũng từng bước mở rộng sản xuất, đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, số lượng HTX hoạt động khá, tốt ngày càng tăng với những đại diện tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phong (Bình Xuyên); HTX Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ (Vĩnh Yên), HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (Tam Đảo)… Năm 2024, doanh thu bình quân của một HTX đạt hơn 1,6 tỷ đồng/năm, lãi bình quân khoảng 258 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu này đều tăng mạnh so với các năm trước.
Các sản phẩm OCOP chất lượng cao của HTX nấm Tam Đảo (Tam Đảo) ngày càng được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Với sự phát triển cả về lượng và chất, khu vực KTTT đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XIII của Đảng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trần Văn Tú khẳng định: “Những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khu vực KTTT vẫn là khu vực có vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp tích cực vào việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn”.
Tổng số thành viên HTX năm 2024 là hơn 48 nghìn người. Trong đó, lao động thường xuyên trong các HTX đạt hơn 38 nghìn người với thu nhập bình quân khoảng 69 triệu đồng/năm. Đóng góp trong cơ cấu tổng sản phẩm (theo giá hiện hành) của khu vực KTTT cho nền kinh tế của tỉnh năm 2024 đạt khoảng 3%.
Bên cạnh đó, nhiều HTX đã cùng với chính quyền địa phương tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, mặc dù khu vực KTTT, HTX có sự tăng trưởng nhưng chưa ổn định, bền vững. Tỷ lệ đóng góp trung bình hằng năm vào kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Đa số các HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, yếu kém và thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX không ổn định, thiếu sự liên kết lâu dài, chưa có nhiều sản phẩm mang tính mũi nhọn, có giá trị cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trong phát triển KTTT của tỉnh hiện nay đó là, cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc triển khai Luật HTX và các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể; chưa chủ động đề ra các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX, khiến hoạt động của HTX kém hiệu quả.
Kinh phí hỗ trợ phát triển HTX hằng năm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu và số lượng HTX cần hỗ trợ. Tỷ lệ các HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ thấp... Để tiếp tục củng cố, phát triển KTTT một cách hiệu quả, bền vững, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Nghị quyết 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Đồng thời tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2023 và tập huấn nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; huy động các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy phát triển KTTT.
Nguyễn Hường
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123486/Khang-dinh-vai-tro-cua-kinh-te-tap-the
Kommentar (0)