Nhạc sĩ Tân Huyền tên thật là Phan Văn Tần. Ông vốn là một giáo viên dạy văn ở khu Tư – vùng tự do thời chống Pháp. Ông thuộc lớp nhạc sĩ xuất hiện từ cuộc kháng chiến chống Pháp và thực sự có nhiều đóng góp từ hòa bình, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Nhạc sĩ Tân Huyền sinh ngày 5 tháng 4 năm 1931 ở Đức Thọ – Nghệ Tĩnh. Như nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ mình, Tân Huyền tham gia kháng chiến, làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở Nghệ An, đồng thời sáng tác ca khúc; sau đó làm công tác nghiên cứu ở Vụ Nhạc-Múa rồi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năng lực sáng tác của Tân Huyền được bộc lộ từ sớm. Học sinh ở quê ông hồi ấy không ai là không biết bài “Mùa trăng về” (năm 1948) mơ mộng lãng mạn nhưng trong sáng đáng yêu. Đến năm 1950, Tân Huyền có một ca khúc thực sự được nhiều người biết đến, được phổ biến rộng rãi. Đó là bài “Nhớ vào quê em”. Ca khúc có đường nét giai điệu uyển chuyển, phóng khoáng, miêu tả một vùng quê rất đỗi nên thơ và đậm đà tình nghĩa. “Nhớ vào quê em” đã là một trong những ca khúc hay viết về quê hương trong kho tàng ca khúc Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.
Hòa bình lập lại, Tân Huyền đi học nhiều lớp bồi dưỡng sáng tác để đi vào công việc sáng tác chuyên nghiệp. Nhiều bài hát sau đó mang âm hưởng dân ca mảnh đất xứ Nghệ quê hương ông đã chiếm được cảm tình của người nghe như: “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (1965); “Một mình với sông La”; “Nỗi nhớ Nam Đàn”. Nhiều ca khúc của nhạc sỹ Tân Huyền mang nặng tình yêu quê hương đất nước như: “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ Quốc” (1965); “Đường đi lên mỏ” (1968); “Hà Nội trên tầm cao chiến thắng” (1972); “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn” (1972); “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” (1976); “Trở lại Cao Bằng” (1983)…
Có thể nói, Tân Huyền là một nhạc sỹ xông xáo, chịu khó đi và viết. Ông có mặt ở những mũi nhọn của cuộc sống từ biên giới đến hải đảo, từ vùng cao đến đồng bằng… Ở đâu ông cũng để lại những sáng tác in đậm dấu ấn từng vùng, từng lĩnh vực…
Đề tài giáo dục, nhạc sĩ Tân Huyền có “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”. Về ca khúc này, nhạc sĩ kể lại rằng, trong một lần dự lễ khai giảng ở Trường Đại học Sư phạm, ông gặp một cô tân sinh viên ở miền quê rất xinh xắn, có ánh mắt trong veo như bầu trời mùa thu làm ông xúc động. “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” đã ra đời như vậy, là bài hát về nghề giáo với cụ thể là cô sinh viên sư phạm: “Em đứng giữa giảng đường hôm nay/Mà niềm vui trong lòng dâng đầy/Từ một cô gái ngoại ô thành phố/Bao tháng bao năm em hằng ước mơ/Được cùng chị cùng em bay tới những chân trời khoa học bao la…”. Thật tình cờ mà cũng cũng thật hữu duyên khi ca sĩ thể hiện đầu tiên và hay nhất bài hát chính là Quỳnh Liên – giáo viên Trường Đại học Sư phạm. Chị hát như lòng mình, nghề mình cùng tình yêu của mình.
Ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” của nhạc sĩ Tân Huyền là ca khúc đã được chọn để thính giả bình trong chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”của chương trình ca nhạc theo YCTG tháng 11/2002.
Và một trong những bài bình gửi về chương trình là của bạn Phạm Hồng Thịnh lớp Văn A K42 trường Đại học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bạn viết: “Chẳng mấy nữa mà tôi tạm biệt giảng đường đại học. Con đường tương lai đang mở rộng đón chờ. Giữa lúc này, bài hát “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”của nhạc sĩ Tân Huyền vang lên. Nghe bài hát mà tôi cứ ngỡ mình đang nghe tiếng nói của tâm hồn mình”.
Phạm Hồng Thịnh viết tiếp: “Giai điệu du dương cao vút cùng lời hát nhịp nhàng trong trẻo như chính tâm hồn nhân vật trong bài hát đã dẫn người nghe bước vào một thế giới niềm vui-niềm tin và mơ ước. Em – người giáo viên “đang đứng giữa giảng đường hôm nay mà niềm vui trong lòng dâng đầy” nhìn về quá khứ, nhìn vào hiện tại và nhìn đến tương lai. Quá khứ của em là ngày hôm qua khi em còn là cô sinh viên trẻ trung miệt mài đèn sách với mơ ước cao đẹp “được cùng chị cùng em bay tới những chân trời khoa học”. Hiện tại của em là lúc này, khi em “đã vươn lên thành người giáo viên trong thời đại mới”. Đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được. Tương lai của em là ngày mai, khi đó em sẽ như cánh chim tung bay vào chân trời mới, chân trời của khát vọng tuổi trẻ không ngừng vươn tới. Thời gian qua đi, thế hệ này tiếp đến thế hệ khác, em lại là thầy và học trò của em lại bắt đầu với những niềm vui “đứng giữa giảng đường” như em hôm nay…”.
Những cống hiến của nhạc sỹ Tân Huyền đã được ghi nhận bằng giải thưởng của Hội Văn học – Nghệ thuật Trung ương và địa phương, các ngành, các đoàn thể: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 6 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1 giải nhất của Bộ Quốc phòng, 4 giải Hạ Long, 3 giải Hoa Phượng Đỏ, 3 giải Hà Nội. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/em-dung-giua-giang-duong-hom-nay-ca-khuc-hay-ve-nguoi-giao-vien-post1136550.vov