Ngân hàng Trung ương châu (ECB) hôm 27/7 đã tăng lãi suất cho vay cơ bản trong khu vực đồng Euro nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng vẫn để ngỏ các lựa chọn về các quyết định trong tương lai trong bối cảnh nền kinh tế khu vực còn suy yếu.
Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất đối với 20 quốc gia sử dụng đồng Euro thêm 0,25%, đẩy lãi suất tiền gửi lên tới 3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2000.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 27/7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, mặc dù lạm phát đang chậm lại, nhưng chỉ số này vẫn quá cao trong thời gian quá dài.
Bà thừa nhận rằng các đợt tăng lãi suất trước đây đang có tác động đến khu vực đồng Euro, thể hiện qua các điều kiện cho vay thắt chặt hơn và nhu cầu vay vốn giảm. Triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế cũng đang xấu đi, một phần là do các điều kiện tín dụng này, bà Lagarde nhận định.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB từ chối đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về quyết định của ngân hàng này tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào giữa tháng 9, khác với xu hướng gần đây.
“Chúng tôi chủ ý phụ thuộc vào dữ liệu, chúng tôi có quan điểm cởi mở về những quyết định trong tháng 9 và trong các cuộc họp tiếp theo. Chúng tôi có thể sẽ tăng hoặc duy trì mức lãi suất hiện tại”, bà Lagarde chia sẻ.
“Điều tôi có thể đảm bảo là chúng tôi sẽ không cắt giảm lãi suất, chắc chắn là không”, bà Lagarde khẳng định.
Giá tiêu dùng tại 20 quốc gia khu vực đồng Euro đã giảm kể từ khi đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, nhưng vẫn tăng 5,5% so với cùng kỳ vào tháng 6. Mục tiêu của ECB là đưa lạm phát xuống 2% trong trung hạn.
Sau nhiều năm duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0 và âm trong khu vực đồng Euro, ngân hàng này bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7/2022 sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực leo thang.
Động thái của ECB diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25%, cũng là mức cao nhất 22 năm qua.
Ngay cả khi tốc độ tăng giá tiêu dùng chậm lại trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã cảnh báo rằng họ vẫn phải đối mặt với thách thức khó khăn là đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% “đúng lúc”.
Hôm 26/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, mặc dù đã có tiến bộ trong việc giảm lạm phát, nhưng lãi suất vẫn chưa ở mức hạn chế đủ lâu ở Mỹ, và các quan chức sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu cần. Ông Powell cũng khẳng định, Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Nguyễn Tuyết (Theo DW, NY Times)