Mỗi người một lý do, có người đi nhiều nước rồi chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, có người vừa tốt nghiệp đã sang Việt Nam làm việc đến bây giờ.
Giữa họ có hai điểm chung: cùng là người Nhật và có câu chuyện cuộc đời gắn bó với Việt Nam.
Làm việc trong nhiều lĩnh vực, họ là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong suốt 50 năm qua, cũng là đại diện cho thế hệ tương lai viết tiếp câu chuyện tốt đẹp về tình bạn của hai nước.
Anh kiến trúc sư mê hẻm Sài Gòn
Yamada Takahito, 35 tuổi, là người sáng lập văn phòng thiết kế kiến trúc studio anettai, được biết đến với những công trình mang hơi thở nhiệt đới ở TP.HCM, Đà Nẵng,, Vũng Tàu, Nhật Bản, và một số quốc gia khác…
Takahito cùng các cộng sự của mình ở studio anettai cũng là tác giả thiết kế của 3 quán thuộc chuỗi “cà phê giường” Chidori – Coffee in Bed độc đáo ở TP.HCM.
Trong số đó, quán Chidori ở quận 1 là một trong những dự án thể hiện rõ triết lý của họ: thiết kế kiến trúc bằng sự học hỏi từ cảnh quan đô thị và văn hoá Việt Nam, cũng như cách ứng xử của người Việt Nam.
Công trình được cải tạo từ một căn nhà ống trên đường Pasteur, có bề ngang 4m và sâu 20m
Để đáp ứng ý tưởng của khách hàng về không gian cà phê giường nằm, đồng thời tận dụng điều kiện sẵn có và kết nối với bối cảnh đô thị, Takahito và các cộng sự của anh đã “biến” ngôi nhà thành một con hẻm – “nơi văn hóa mới và cũ hòa quyện với nhau”.
Không gian chủ đạo của quán là những “căn nhà” (giường tầng) nhìn ra lối đi chung rộng 2m – được tái hiện như một con hẻm với những bức tường gạch thô mang đậm chất đường phố – để mỗi người khách đến quán sẽ có cảm giác như bước vào con hẻm trở về nhà của mình.
YAMADA TAKAHITO
Theo anh Takahito, đối tượng khách hàng mà chủ quán nhắm đến là người trẻ Việt Nam.. Hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này, Takahito muốn làm sao kết hợp được văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa hẻm và cảnh quan thành phố vào công trình này.
Anh kiến trúc sư người Nhật bày tỏ sự thích thú khi thấy hẻm ở Việt Nam có rất nhiều “viên ngọc ẩn mình”, có thể có nhà hàng, quán ăn, nhiều chỗ thú vị…
Ở Nhật cũng có hẻm nhưng ở đây, anh thích cái cách người ta tận dụng những con hẻm, hẻm không chỉ để đi lại mà còn có những nét rất phong phú.
Khi được hỏi về môi trường công việc ở Nhật và ở Việt Nam, Takahito cười xòa: “Tôi chưa bao giờ làm việc ở Nhật cả”.
Thật vậy, ngay khi còn học kiến trúc ở Nhật, Takahito bắt đầu tìm hiểu về các nước Ðông Nam Á rồi cơ duyên đưa đẩy anh được nhận vào làm thực tập sinh ở công ty của kiến trúc sư Việt Nam nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa.
Kết thúc kỳ thực tập, Takahito lại được tiếp tục làm việc ở đó khoảng 5 năm trước khi “ra riêng” và thành lập văn phòng thiết kế của mình. Hiện tại, đội ngũ của studio anettai có 5 người cả Việt và Nhật cùng làm việc với nhau.
Takahito chia sẻ một trong những “hiểu lầm” mà anh hay gặp phải khi làm việc ở Việt Nam là mọi người hay “mặc định” là anh thiết kế theo phong cách Nhật.
“Chúng tôi học thiết kế ở Nhật nhưng không phải chúng tôi chuyên về phong cách Nhật.
Mỗi môi trường, mỗi văn hóa sẽ có sự khác nhau, chúng tôi học lấy cái cốt lõi và khi làm việc thì chúng tôi muốn vận dụng những điều đó với văn hóa Việt Nam””, anh giải thích.
Một điều nữa khiến anh kiến trúc sư người Nhật khá bối rối khi mới làm việc với khách hàng Việt Nam ở những năm đầu, là người Việt thích trang hoàng không gian với thật nhiều đồ.
Từ chỗ hơi “sốc” khi thấy thiết kế của mình bị nhiều đồ che mất, sau vài năm ở Việt Nam, Takahito dần nhận ra rằng đó không chỉ là “đồ trang trí” mà còn là “bằng chứng” cho thấy người ta thực sự sống trong kiến trúc đó như thế nào.
“Chúng tôi thấy thú vị và nghĩ mình nên tôn trọng điều đó”, Takahito nói. Anh cũng từ tạo ra các thiết kế mà khách hàng vẫn có thể điều chỉnh khi dọn vào ở.
Cuộc sống của Yamada Takahito ở Việt Nam đã bước sang năm thứ 10, nhưng anh nói mình vẫn còn có ý định ở đây lâu dài. Hiện tại, Takahito cũng đã mở rộng quy mô công việc ra ngoài Việt Nam và Nhật Bản tới nhiều nước, trong đó có Ấn Độ.
Nữ nghệ sĩ múa yêu miền Tây
Tatsumi Chika sinh ra ở Nhật, sang Trung Quốc học múa năm năm trước khi tiếp tục sang Hà Lan học múa bốn năm rồi ở lại làm việc thêm hai năm nữa.
Diễn viên múa 32 tuổi này hiện là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất của Arabesque Vietnam – đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn múa trong và ngoài Việt Nam.
“Sau sáu năm ở Hà Lan, tôi bắt đầu nghĩ đến việc đi đến một đất nước khác để tìm kiếm những thử thách khác.
Lúc đó tôi nghe nói giám đốc nghệ thuật của Arabesque Vietnam Nguyễn Tấn Lộc – người mà tôi quen khi còn ở Nhật – đang cần tuyển diễn viên múa có kỹ thuật cổ điển tốt.
Vậy là tôi liên hệ với anh ấy qua Facebook, rồi câu chuyện ở Việt Nam của tôi bắt đầu”, Chika kể về thời điểm tám năm trước.
Là đất nước mà Chika từng ở lâu nhất sau Nhật Bản, Việt Nam đương nhiên lưu lại trong cô nhiều kỷ niệm.
Trong số đó, có lẽ đáng nhớ nhất là chuyến đi miền Tây “đầu đời” đầy bỡ ngỡ với cô gái nước ngoài.
Lúc đó là tầm năm 2016, khi Chika cùng công ty về Cần Thơ và Sóc Trăng để trải nghiệm cuộc sống của người dân miền Tây, nhằm lấy cảm hứng và luyện tập cho vở múa The Mist (Sương sớm) khi đó.
TATSUMI CHIKA
Đó là lần đầu tiên cô cùng mọi người nằm dưới nền gạch ngủ, giặt đồ bằng tay, tháo giày xuống ruộng bắt ốc, ôm thân cây chuối lội qua sông vì không biết bơi, vào vườn hái trái cây trong khi còn không biết đó là trái gì và đặc biệt là… ăn thịt chuột đồng.
“Mới đầu tôi sốc lắm, phải hỏi lại ‘Mình ăn chuột thiệt hả?’ vì ở TP.HCM tôi từng thấy con chuột bự gần bằng con mèo, sao mà dám ăn. Nhưng mà rồi tôi cũng ăn. Ngon gì đâu luôn! – Chika vừa cười vừa kể – Tôi cứ muốn ăn nữa, ngồi ăn hoài, rồi mọi người nói với tôi là chỉ có chuột này mới ăn được vì chúng chỉ ăn lúa thôi”.
Ngoài những kỷ niệm vui vẻ đó, khung cảnh tuyệt đẹp của cánh đồng buổi sớm mai chìm trong sương dưới những tia nắng lung linh cũng khiến Chika xao xuyến, giúp cô có được cảm xúc cho màn trình diễn của mình trên sân khấu, bởi The Mist vốn là kể câu chuyện về người nông dân Việt Nam.
Chuyến về miền Tây cũng khiến Chika nhận ra người Việt tháo vát ra sao khi có thể xoay xở gần như mọi thứ trong điều kiện không có hoặc thiếu công cụ.
Sau này trong công việc cô cũng nhận thấy điều đó, nhiều lúc thiếu thiết bị gì đó là người ta cũng tự làm luôn.
Bỏ lại sự nghiệp ở Hà Lan, một nước phát triển ở châu Âu, để đến sống ở Việt Nam, Chika khiến mẹ mình lo lắng. Tuy nhiên với nữ nghệ sĩ, cô có lý do của mình.
Và hơn cả, với Chika, Việt Nam là nơi lý tưởng cho cô không chỉ vì gần Nhật Bản để cô tiện về nhà, mà còn là ở đây mọi thứ vẫn đang phát triển.
“Thay vì nhảy vào mức 10 và có tất cả, sẽ thú vị hơn nếu thấy được toàn cảnh quá trình phát triển. Tôi thích xem đây là thử thách cho mình và cũng là lý do chính khiến tôi muốn đến đây. Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ ở khoảng năm năm sau đó lại đi đến nơi mới, nhưng rồi không hiểu sao với Arabesque, tôi không thể rời đi”, Chika nói.
Với một người nghệ sĩ như Chika, những áp lực, những chấn thương, những ngày tháng luyện tập mướt mồ hôi sáng đêm, đến khi cơ thể mỏi nhừ, đầu gối đau đều được đáp trả xứng đáng bằng những giọt nước mắt xúc động hay những gương mặt hạnh phúc của khán giả sau đêm diễn.
Ở thời điểm chia sẻ câu chuyện của mình với người viết, Tatsumi Chika và đồng nghiệp vẫn đang ngày đêm luyện tập cho SENZEN, vở múa ballet đương đại chứa đựng màu sắc văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, nằm trong chuỗi các chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.
Nữ ca sĩ viết tình ca cho Việt Nam
Tự nhận mình là người “ồn ào”, Mikami Nammy tìm được năng lượng phù hợp với mình ở TP.HCM ồn ã, nhộn nhịp.
Vừa đi hát, vẽ tranh về Việt Nam triển lãm ở TP.HCM và Tokyo, làm YouTube giới thiệu Việt Nam, ở cô gái người Nhật này toát ra một nguồn năng lượng năng động, vui tươi mà người khác có thể cảm nhận được ngay từ lần gặp đầu tiên.
Đam mê ca hát và mơ ước trở thành ca sĩ từ thời trung học, Nammy tham gia nhiều buổi thử giọng nhưng thất bại nhiều hơn thành công.
Không nản chí, cô tiếp tục tham gia nhiều show hát live để cải thiện kỹ năng, thậm chí còn một mình sang tận New York để học hát. Sau đó, Nammy kể cô có được cơ hội biểu diễn ở nhiều nơi như Pháp, Brazil, Thái Lan…, từ đó có ý định sẽ sống ở nước ngoài.
Năm 2016, Mikami Nammy lần đầu đặt chân đến Việt Nam cùng một người bạn.
Sau chuyến đi đó, cô ca sĩ đem lòng yêu khí hậu nhiệt đới, những con người sôi nổi, nguồn sinh khí mà cô ví von như là “một bông hoa sắp nở” của Việt Nam.
Vậy là một năm sau, Nammy chuyển đến Việt Nam sống, dù trước đó đã đi du lịch hơn 30 nước trên thế giới nhưng không ở lại lâu.
“Khi tôi yêu một ai đó, tất nhiên có nhiều lý do khác nhau như ngoại hình, tính cách, giá trị… nhưng lúc đầu, theo bản năng tôi sẽ nghĩ “Đúng người rồi!”.
Tôi thực sự không thể giải thích tại sao tôi lại muốn sống ở Việt Nam, nhưng cảm giác cũng giống khi yêu ai đó vậy”, nữ ca sĩ lãng mạn ví von. “Tôi muốn biết thêm về đất nước này”.
MIKAMI NAMMY
Chọn sống ở TP.HCM, ban ngày Nammy đi quay video rồi về biên tập, tối đi diễn ở quán bar của một người bạn, có cảm hứng thì vẽ tranh, sáng tác nhạc.
“Tôi muốn thăng hoa những gì tôi cảm nhận ở Việt Nam vào âm nhạc và gần đây tôi đang cố gắng tạo ra âm nhạc có sự kết hợp giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tuy nhiên, không giống như tiếng Nhật, tiếng Việt có những âm điệu khác nhau, đó chính là điều mà tôi cảm thấy khó khăn nhất trong sáng tác.
Tôi vẫn đang học tiếng Việt nhưng nói không được tốt nên tôi sẽ cố gắng hết sức để người Việt Nam biết đến tôi nhiều hơn qua âm nhạc của mình”, Nammy chia sẻ.
Bài hát Souda! Betonamu ni ikimashou (Nào! Hãy cùng đến Việt Nam thôi) do cô sáng tác giành được giải nhì trong cuộc thi sáng tác ca khúc hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
“Thực ra bài hát này tôi viết vì tôi đã yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tiên đến đây. Vì vậy, đây thực sự là bản tình ca tôi dành cho Việt Nam. Tôi sáng tác bài hát này vì tôi muốn bạn bè Nhật của tôi khi nghe sẽ quan tâm đến Việt Nam”, cô kể.
Gặp Nammy Mikami cũng thấy cô sôi nổi hệt như trong những video trên YouTube, khi cô dẫn người xem video đi ăn bánh khọt, chả giò, đi Hội An chơi chèo thúng, đi lễ hội chơi nhảy sạp…
“Mặc dù số lượng người đăng ký kênh không lớn nhưng lượng người xem đang tăng lên từng ngày. Hầu hết họ là người Nhật, có những người biết đến Việt Nam khi học ở trường từ nhỏ, một số người lại không hề biết rằng Việt Nam đã phát triển đến vậy.
Mỗi lần đọc được những bình luận như ‘Tôi muốn sống ở một đất nước hấp dẫn như thế này!’, tôi chỉ muốn ‘lên mặt’ khoe khoang với họ thôi”, Nammy cười tươi rói.
Việt Nam là niềm cảm hứng nhiếp ảnh
Cũng sống và làm việc tại TP.HCM nhưng Taneda Motoki chọn chiêm nghiệm thành phố từ những góc yên tĩnh. Mỗi khi có thời gian rảnh, anh chạy xe máy một mình đến quán cà phê, những công trình kiến trúc cổ để ngắm nhìn thành phố qua lăng kính máy ảnh của riêng mình.
Sang Việt Nam du lịch rồi kẹt lại vì COVID-19, Motoki làm chăm sóc khách hàng ở một công ty Nhật rồi dùng những ngày nghỉ phép để lang thang chụp người, chụp cảnh.
Trước đó ở Nhật anh cũng từng làm công việc chụp ảnh chân dung tại một studio Hokkaido.
“Tôi thấy người Việt thích chụp ảnh hơn người Nhật. Và hơn thế nữa, Việt Nam có rất nhiều studio ảnh với bài trí độc đáo. Giá cả cũng hợp lý và dễ thuê”, Motoki nhận xét.
Thế mạnh là chụp chân dung nhưng Motoki nói ở Việt Nam, anh tìm được nguồn cảm hứng mới ở các kiến trúc cổ điển.
“Vào ngày nghỉ, tôi thường đến một quán cà phê xưa hoặc bảo tàng vào buổi sáng sớm. Ánh nắng buổi sáng rất đẹp cho nhiếp ảnh”, anh nói.
Với Motoki, sự tồn tại đan xen giữa những kiến trúc xưa và tốc độ phát triển cực kỳ nhanh của TP.HCM là điểm khiến anh rất ấn tượng.
Bốn năm ở TP.HCM cũng cho anh cơ hội khám phá được những sự khác biệt giữa phong cách sống ở hai nước.
TANEDA MOTOKI
“Ở thành phố này, chúng ta có thể mua mọi thứ từ người bán nhỏ lẻ qua mạng. Nếu bạn đặt hàng thứ gì đó từ một người bán, bạn có thể nhận được nó trong một giờ.
Điều đó thật tiện lợi. Khi tôi mua vài chiếc máy ảnh và đèn, tôi liên hệ với người bán máy ảnh và họ gửi đến cho tôi rất nhanh. Tôi cảm giác có thể mua những gì mình muốn mọi lúc”, anh kể.
“Thêm nữa, mọi người làm việc từ sáng sớm và đến trưa họ ngủ trưa rồi sau đó đi chơi vào ban đêm. Đó là điểm khác biệt so với phong cách của người Nhật”.
Những niềm cảm hứng mới ở Việt Nam không chỉ giúp Motoki chụp “lên tay” mà còn góp phần thúc đẩy anh suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa cho sự nghiệp chụp ảnh của mình với ý định quay về Nhật vào năm sau để tập trung làm nhiếp ảnh.
Theo anh, nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động tích cực khắp thế giới, không chỉ nhiếp ảnh gia, mà còn là nhà thiết kế, nhạc sĩ…
“Tôi mong nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam sẽ tương tác nhiều hơn nữa. Họ sẽ truyền cả hứng cho nhau. Chúng ta có những quy trình khác nhau để tạo ra một bức ảnh, chúng ta có thể tiếp thu một số kinh nghiệm tốt của nhau”, anh bày tỏ.