Nhiều người không có việc gì ở nơi đến, nhưng họ vẫn lên tàu hỏa để tìm đáp án cho câu hỏi: Tuyến đường sắt nối hai địa phương nhiều duyên nợ đã thay đổi như thế nào sau hơn trăm năm lịch sử?
Tàu hỏa Đà Nẵng – Huế nằm trong 3 tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng và hoạt động từ đầu thế kỷ 20. Đến nay cung đường sắt này được một số cơ quan thông tấn quốc tế đánh giá là thuộc hàng đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, đường sắt Đà Nẵng – Huế còn có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với nhiều thế hệ người dân. Đặc thù giao thương, đi lại giữa hai tỉnh thành khiến ga Đà Nẵng và ga Huế ăn sâu trong ký ức nhiều người, nhất là về thời bao cấp nhọc nhằn.
Sau hơn 100 năm, lần đầu tiên hai tỉnh thành có tốc độ phát triển bậc nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (vùng kinh tế lớn thứ ba cả nước), mới có một chuyến tàu hỏa 5 sao. Điều này càng lạ đối với hai tỉnh thành phát triển du lịch hàng đầu cả nước, lạ hơn khi sản phẩm du lịch “con đường di sản miền Trung” (trong đó có Đà Nẵng – Huế) đã ra đời từ trước đó 20 năm.
Nhưng thà chậm còn hơn không, thời gian gần đây, những chuyến tàu 5 sao Đà Nẵng – Huế, cùng với những chặng tàu 5 sao khác như Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Lào Cai, Đà Nẵng – Quy Nhơn, Nha Trang – Sài Gòn… đã ghi nhận nỗ lực đổi mới, cải tổ hoạt động của ngành đường sắt.
Sự háo hức và đón nhận ngoài mong đợi của người dân hai tỉnh thành đối với tàu hỏa du lịch 5 sao cho thấy triển vọng cho loại hình này. Ngành đường sắt và ngành giao thông hai tỉnh thành cần có chiến lược bài bản, dành nguồn lực đầu tư để chất lượng, dịch vụ ngày càng cao cấp, xứng đáng với lịch sử và sự kỳ vọng của người dân, du khách ở thủ phủ du lịch miền Trung.