Kinhtedothi – Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Nhiều luật phải sửa để phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã quán triệt kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, vào dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Theo đó, Tổng Bí thư đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thiện thể chế. Đó là một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ, hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.
Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong dân. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; chưa nhận diện và phản ứng chính sách kịp thời, nhất là trước những vấn đề mới. Và đáng chú ý, dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng pháp luật là “đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động, khi thiết kế chính sách và pháp luật, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Pháp luật trong thời gian tới và cần có sự phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư pháp – cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật. Trước các yêu cầu rất mới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đang được lãnh đạo Quốc hội giao tham mưu, chuẩn bị tổ chức diễn đàn pháp luật về chủ đề đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Đây cũng là nhiệm vụ chung mà Bộ Tư pháp đang ưu tiên.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về nhiệm vụ trước mắt, hai cơ quan đang phải phối hợp, trao đổi để tham mưu về giải pháp pháp lý phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang triển khai một cách quyết liệt.
Bước đầu, Bộ Tư pháp đã xác định có trên 150 luật ghi tên cụ thể các Bộ; tức là khi kết thúc hoạt động, sáp nhập các Bộ với dự kiến giảm 5 Bộ, 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm 12/13 tổng cục và tương đương, sẽ phải xử lý về mặt pháp lý tên các cơ quan này trong các đạo luật.
“Có ý kiến là dùng một luật sửa nhiều luật, nhưng chúng tôi thấy khó đảm bảo, vậy nên đang nghiêng về phương án trước mắt trình Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý tên các bộ (sau khi sáp nhập). Các luật sẽ có thời gian để rà soát, xử lý kỹ càng, chặt chẽ, khoa học” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thông tin.
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp
Phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh các nhiệm vụ đối với ngành tư pháp trong năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu quán triệt nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, trong đó, lưu ý việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp, đến được với ngươi dân, doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Trong năm 2025, thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tư pháp phải làm tốt công tác này, trong đó cần lưu ý lấy ý kiến của các tầng lớp, cơ quan, bộ, ngành. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nền hành chính không bị gián đoạn.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ Tư pháp quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số, coi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt, tròn vai đối với các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp. Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo định hướng là giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong. Không sắp xếp một cách cơ học, không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Tư pháp, ngành tư pháp phát huy vai trò, tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó có việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành tư pháp, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-le-thanh-long-dut-khoat-can-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam.html