Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện Press Corner Đại sứ & Doanh nghiệp, phiên thứ ba với chủ đề “Đường vào thị trường Halal” chiều 15/12, bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Saudia Arabia Đặng Xuân Dũng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự Press Corner phiên thứ ba có Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng; ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit); ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH công nghệ NhoNho.
Nhận định về thị trường Halal, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho biết, đây là một thị trường rất mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng đây cũng là một thị trường rất lớn, giàu tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Năm 2025, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt quy mô hơn 7.000 tỷ USD và có cơ hội tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2027. Nhóm dân số đạo Hồi cũng đang tăng rất nhanh so với các nhóm dân số khác, dân số chính là người tiêu dùng, nên điều này sẽ góp phần làm tăng sức hút của thị trường này.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Halal, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và cơ hội lớn nhất đến từ thị trường Halal rộng lớn, không chỉ là thị trường tiêu dùng, mà còn bao gồm nhiều thị trường khác.
“Halal là khái niệm rất rộng, không đơn thuần là thực phẩm mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác như du lịch, dược phẩm, tài chính Halal…”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết thêm.
Cơ hội thứ hai, theo người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại Saudi Arabia, gần đây Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành đang quan tâm nhiều hơn đến khu vực Trung Đông – châu Phi và thị trường Halal. “Có quan tâm thì sẽ có quyết tâm khai phá thị trường này”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng nhận định.
Cơ hội thứ ba là bản thân các nhà xuất nhập khẩu Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông – châu Phi nói chung đều đang rất quan tâm đến các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội để chúng ta thâm nhập thị trường này.
Nhận định về thách thức đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam khi tiến vào thị trường Halal. Về thách thức, hiện chúng ta biết thông tin vẫn chưa đầy đủ, bản thân doanh nghiệp vẫn chưa thực sự ưu tiên thị trường Trung Đông. Đôi khi chúng ta cứ nghĩ châu Âu, châu Mỹ là đủ nhưng trên thực tế thị trường Halal còn rất tiềm năng nhưng chúng ta vẫn thờ ơ và chưa tập trung khai thác. Ngoài ra, tại thị trường Halal, các sản phẩm của chúng ta cũng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các “đối thủ” như Thái Lan, Malaysia.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai phá thị trường Halal. “Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ chi phí để sang tận Saudi Arabia xúc tiến thương mại nên chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp, cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường. Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất về những thông tin mà Đại sứ quán có thể hỗ trợ”.
“Hiện nay, tình trạng lừa đảo tại một số thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước. Vì vậy, Đại sứ quán cũng sẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thẩm tra các doanh nghiệp ma, có dấu hiệu lừa đảo. Nếu có nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, doanh nghiệp có thể ngay lập tức liên hệ với Đại sứ quán để tháo gỡ”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng lưu ý.
Ngoài ra, Cơ quan đại diện sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tích cực tham gia các Hội chợ, giao lưu thương mại tại Saudi Arabia và thị trường Trung Đông.
“Rất mong doanh nghiệp hãy tin tưởng cơ quan đại diện”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng nhắn nhủ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit). (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nói về thị trường Halal, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, sau khi dự phiên thảo luận với chủ đề “Phát triển ngành Halal” tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp, tôi cảm thấy phấn khởi, xen lẫn lo lắng và băn khoăn.
Bộ Ngoại giao tổ chức một phiên thảo luận riêng nói về thị trường Halal, cho thấy mối quan tâm rất lớn với thị trường này. Tuy nhiên, qua trao đổi với các Đại sứ và doanh nghiệp, việc tiếp cận thị trường Halal rất khó với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng có ý kiến rằng, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu biết nhiều về thị trường đầy tiềm năng này.
“Qua thông báo của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện các nước, chi phí cấp chứng chỉ Halal rất cao. Điều này làm đội chi phí và giá thành của các sản phẩm lên rất lớn. Bên cạnh đó, chứng chỉ này cũng không phải vĩnh viễn. Như vậy, khi chứng chỉ hết hạn, cần xin cấp lại. Đây lại là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ.
Ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH công nghệ NhoNho. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH công nghệ NhoNho cho hay, không thể phủ nhận, tiềm năng thị trường halal rất lớn, nhưng song hành với đó, khó khăn cũng không hề nhỏ.
Các doanh nghiệp lớn hầu hết đã tham gia thị trường tiềm năng này, nhưng thực tế, Việt Nam có gần 20.000 hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khu vực này, chi phí để tham gia Halal rất cao.
“Nhiều doanh nghiệp đã gọi điện đến chúng tôi để tư vấn. Các doanh nghiệp đều băn khoăn về quy trình, chứng chỉ Halal. Do đó, điều quan trọng là các chủ doanh nghiệp là cần khơi thông tư duy, cần nguồn lực, chi phí lớn và cần xác định cần xác định được điểm đến là thị trường nào”, ông Hoàng Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Press Corner Đại sứ & Doanh nghiệp, phiên thứ ba với chủ đề “Đường vào thị trường Halal” là phiên cuối cùng trong chuỗi Tọa đàm do Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao (số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội), tường thuật trực tiếp trên kênh Quốc Tế Media báo điện tử baoquocte.vn.