Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, hướng tuyến “thẳng nhất có thể”Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi những nội dung mà Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị làm rõ trong báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Trong đó, có những nội dung được Bộ GTVT biện giải để bảo lưu phương án đã chọn; có nội dung bộ tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hứa hẹn cập nhật chi tiết trong giai đoạn báo cáo khả thi.
Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khoảng 67,34 tỷ USD (khoảng 1,713 triệu tỷ đồng).
Những ngày qua, Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã gấp rút tổng hợp, thống nhất các nội dung trong Báo cáo tiền khả thi và Báo cáo thẩm tra của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dự kiến, Báo cáo tiền khả thi của dự án sẽ được Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 diễn ra từ mai (21/10) đến 30/11.
Liên quan đến việc rà soát hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT cho biết hướng tuyến đã được nghiên cứu theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, các đường cong đều được kiểm toán bảo đảm yêu cầu về an toàn, êm thuận cho hành khách.
Ngoài ra, hướng tuyến còn đáp ứng 5 nguyên tắc, gồm: Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch địa phương; chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tạo êm thuận cho hành khách; phù hợp với địa hình; hạn chế đi qua khu vực nhạy cảm, di tích; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng; bảo đảm liên kết hành lang Đông – Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Tiếp thu kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT thống nhất dịch chuyển ga Mương Mán đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4km về phía Bắc (ga Phan Thiết). Ngoài ra, trong bước lập Báo cáo khả thi, Bộ GTVT sẽ xem xét các vị trí các ga tiềm năng để giao địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư ga theo phương thức PPP.
Về vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, tiếp thu kiến nghị của UBND Hà Nội, Bộ GTVT sẽ chuyển ga hàng hóa tại khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.
Trong bước lập Báo cáo khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga (nếu có), nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế, trong đó có đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định .
Khai thác tàu khách 320km/h, tàu hàng 120km/h
Trong Báo cáo tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, 160km/h với tàu chở hàng.
Theo Bộ GTVT, kinh nghiệm tại các quốc gia có đường sắt mới đưa vào khai thác cho thấy tốc độ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, bộ xác định trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.
Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm. Về vị trí ga, Bộ GTVT cho biết toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Tư vấn sử dụng bán kính đường cong và tính toán siêu cao theo tiêu chuẩn Châu Âu, qua đó cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn. Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm.
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng Thẩm định, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn tiếp tục tính toán cụ thể để bảo đảm an toàn vận hành khai thác trong bước lập báo cáo khả thi.
Về yêu cầu rà soát kỹ tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tư vấn rà soát, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ và tính phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ GTVT cho biết dự án thực hiện trên 10 năm nên sơ bộ tổng mức đầu tư có thể biến động bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường…) hoặc chủ quan (thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá, triển khai GPMB chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng…).
Trong giai đoạn lập Báo cáo khả thi sau khi có thiết kế chi tiết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.
Về việc thu xếp nguồn vốn đầu tư, Tư vấn lập dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong các kỳ đầu tư công trung hạn. Thời gian đầu tư trong 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.
Xác định đây là công trình cần phải ưu tiên cao nhất về việc bố trí vốn, Bộ GTVT cho biết trường hợp nếu thiếu hụt nguồn vốn, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu hoặc vay ODA để bù đắp.
Ngoài ra, nguồn lợi nhuận thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao (mô hình TOD) của các địa phương sẽ đóng góp 50% vào ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án (ước tính khoảng 8,5 tỷ USD so với chi phí GPMB khoảng 6,5 tỷ USD).
Công trình biểu tượng ở kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt một chuyên đề, trong đó, có nội dung về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo Thủ tướng, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chất chiến lược để phát triển hạ tầng đất nước. Đồng thời tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, đi lại thuận lợi cho người dân, cạnh tranh hàng hóa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trước đây chúng ta còn khó khăn, GDP bình quân đầu người mới hơn 1.000 USD, GDP hơn 100 tỷ USD nên chưa thực hiện được việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Đến nay GDP của Việt Nam đã gấp 3-4 lần và có dư địa để thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
“Nguồn lực ở đâu? Nguồn lực bao gồm nguồn lực của trung ương, nguồn lực của địa phương, nguồn lực đi vay, nguồn lực phát hành trái phiếu, nguồn lực hợp tác công tư. Rất nhiều, đa dạng hóa để làm và chúng ta có đủ điều kiện để làm”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh việc cần quyết tâm làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng thế giới phát triển rất nhanh và Trung Quốc hiện có 47.000km đường sắt cao tốc, mỗi năm họ phát triển 3.000km cao tốc. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đề ra 10 năm và đến năm 2035 phải xong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ nếu cách làm như cũ “nói thật là tầm 50 năm nữa” nên phải có cách làm mới, đổi mới cách quản trị, quản lý, cách huy động nguồn lực, đặc biệt là tư vấn, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
“Chúng ta có cách làm mới thì mới đảm bảo được”, ông nói thêm và mong muốn sự ủng hộ bởi đây là một trong các “công trình biểu tượng ở kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.
Thủ tướng thông tin hiện nay đang tập trung vào làm các đoạn tuyến kết nối với Trung Quốc gồm đoạn tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Ông nhấn mạnh quan điểm “đường sắt thì phải hiện đại” chứ không thể không hiện đại.
Đối với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2026-2030, Thủ tướng cho biết về mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất với mục tiêu.
Như phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới.
Tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045…
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2026-2030 cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5 – 8,5%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.400 – 7.600 USD…
vov.vn
Nguồn:https://vov.vn/xa-hoi/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-phai-la-cong-trinh-bieu-tuong-o-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dat-nuoc-post1129689.vov