Vải thiều lên tàu xuất ngoại
Tàu chở vải thiều tươi xuất khẩu tại ga Kép.
Vừa trải qua một mùa xuất khẩu vải thiều thành công, bà Vũ Thị Như, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu An cho hay, năm nay là lần đầu tiên công ty của bà xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường sắt.
Bằng đường sắt, vải thiều đến với các trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, thậm chí có thể đến Nga và các quốc gia khác một cách dễ dàng.
“Mỗi năm, chúng tôi tiêu thụ trên 1.000 tấn vải thiều tươi. Trước đây, công ty chỉ có thể vận chuyển vải thiều bằng đường bộ và đường hàng không, mất nhiều thời gian, chi phí cao”, bà Như nói và cho biết, cước vận chuyển bằng đường sắt ổn định, bao gồm từ kho doanh nghiệp đến ga, không bị phụ thuộc như đường bộ, thường tăng gấp đôi khi vào chính vụ.
Được biết, chi phí cho một container lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi Bằng Tường (Trung Quốc) khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng.
Sau khi đóng đủ hàng, mỗi chuyến tàu sẽ chở khoảng 20 container trong khoảng 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan) để tới Bằng Tường, trước khi được chuyển tiếp đến chợ Nghĩa Hưng (Thượng Hải) để giới thiệu.
Hài lòng với dịch vụ và giá cước, song bà Như vẫn lo nếu khi khối lượng hàng tăng cao, với bãi container diện tích hiện còn nhỏ, đường bộ vào bãi hẹp sẽ gây trở ngại, ách tắc.
Mối lo của bà Như cũng chính là trăn trở của ngành đường sắt. Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho hay, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hàng hóa vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 12%/năm.
Riêng năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt là 5,67 triệu tấn, trong đó hàng liên vận quốc tế là 1,33 triệu tấn (chiếm 24%) từ Việt Nam qua Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đến các nước thứ ba.
Nâng cấp nhà ga, kho bãi
Tàu hàng liên vận quốc tế tại ga Yên Viên. Ảnh: Tạ Hải.
Theo Viện chiến lược và phát triển GTVT Việt Nam, dự báo đến năm 2030, nhu cầu vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế có thể lên tới 8 – 9 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện năng lực hạ tầng đường sắt hiện tại chỉ có thể đảm nhận 4 – 5 triệu tấn/năm.
Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quá trình rà soát xây dựng “Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đơn vị nhận thấy các ga hàng hóa đường sắt vừa thiếu, vừa yếu.
Trừ một số ít ga mới được đầu tư nâng cấp như Lào Cai, Yên Viên, Đông Anh, Phan Thiết, Trảng Bom có hệ thống kho, ke, bãi hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu, số còn lại đều đã xuống cấp, nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu xếp dỡ cơ giới.
Toàn mạng lưới đường sắt chỉ có 4 ga có bãi hàng và thiết bị đủ tiêu chuẩn xếp dỡ, bảo quản container gồm Lào Cai, Đông Anh, Yên Viên và Trảng Bom.
Tương tự, tổng diện tích kho các ga hiện có hơn 38.000m2, nhưng chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, để mở ga liên vận quốc tế phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu như diện tích 10.000m2, tiêu chuẩn kho, bãi, khu nhà làm việc cho cơ quan hải quan, khu kiểm hóa, đường sắt xếp dỡ…
Doanh nghiệp vận tải đường sắt cũng phải đầu tư hoặc hợp tác đầu tư đóng mới, thuê đầu máy, toa xe chuyên chở hàng liên vận quốc tế…
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN nhấn mạnh, cần một quy hoạch tổng thể đối với các nguồn hàng, chân hàng có khả năng vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt để đầu tư đồng bộ, nâng cấp kết cấu hạ tầng nhà ga và phương tiện.
Hiện Cục đang lựa chọn khoảng 15 – 16 ga để đánh giá, xem xét, đưa vào quy hoạch, bố trí vốn đầu tư trong các trung hạn tiếp theo.
Trước mắt, Bộ GTVT đã đưa các hạng mục nâng cấp kho bãi, đường xếp dỡ và các công trình khác một số ga vào các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt vốn trung hạn 2021 – 2025.
Cụ thể, Bộ GTVT đã bố trí vốn đầu tư các ga trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Đồng Đăng, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần. Các hạng mục ưu tiên là làm đường xếp dỡ, kho bãi, đường bộ vào bãi hàng…
Sau đầu tư, ga Đồng Đăng sẽ nâng được năng lực thông qua từ 0,6 triệu tấn/năm hiện nay lên 2,5 triệu tấn/năm; ga Sóng Thần từ 1,6 triệu tấn/năm lên 2,5 triệu tấn/năm…
Với các ga như Kép, Sen Hồ, Đông Anh (tuyến Hà Nội – Đồng Đăng), Lào Cai (tuyến Yên Viên – Lào Cai), dự kiến đầu tư cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2022-2025. Tổng mức đầu tư cho cả 7 ga này dự kiến 867 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên hai hành lang Bắc – Nam và Đông – Tây theo quy hoạch, ưu tiên các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Trảng Bom…
Mục tiêu chính của Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt là nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 – 5 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, hàng đi tuyến Bắc – Nam, Hà Nội – Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng – Yên Viên – Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/duong-sat-lien-van-quoc-te-cho-don-bay-ha-tang-192230912095437257.htm