Những cành mai vàng kết hợp với hơn 5.000 cây tre tạo hình nghệ thuật bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, cùng với vườn mai vô cực bên trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM… Đường mai hứa hẹn sẽ trở thành “thiên đường sống ảo” của các bạn trẻ.
Chiều qua 13.1, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 (bao gồm không gian đường mai, phố ông đồ…) chính thức mở cửa đón du khách và các bạn trẻ đến thưởng lãm, vui chơi và chụp hình. Năm nay, lễ hội có rất nhiều nét mới, độc đáo.
Đường mai đẹp rực rỡ
Ngay không gian mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, những bông mai vàng nổi bật trên nền đỏ của hơn 5.000 cây tre được tạo hình độc đáo đã thu hút mọi ánh nhìn.
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt, năm nay có nhiều cây nêu được dựng ở giữa sân, tương tác với nhiều gian hàng phố ông đồ, đường mai… tạo nên khung cảnh yên bình, gần gũi, nhẹ nhàng để mọi người cảm nhận được không khí tết cổ truyền của người Việt. Điều đặc biệt nhất là ở mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch không làm vườn mai gắn với các gốc cây ven đường như những năm trước, mà năm nay ban tổ chức thiết kế mô hình tre Việt Nam được sơn đỏ. Trên bối cảnh những mô hình tre rất lớn, rất cao sẽ là vô vàn các cây mai mọc lên, tạo nên cụm không gian nghệ thuật độc đáo.
“Chúng tôi lên ý tưởng này với mong muốn mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, có cảm giác năm nay mọi thứ đều vươn mình lên tầm cao, trong tinh thần vươn mình vào kỷ nguyên mới của đất nước. Và thông điệp của Lễ hội Tết Việt năm nay cũng thế, cốt lõi vẫn là cảm xúc về sự đoàn viên, sum họp gia đình, nhưng ở đó các bạn cũng thấy được câu chuyện về sự vươn mình của thành phố, mà chính các bạn trẻ cũng cần có tinh thần trách nhiệm trong mục tiêu này”, ông Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ.
Ngay dưới những cành mai vàng rực rỡ là không gian “mực tàu giấy đỏ” của hơn 50 ông đồ trẻ. Tại phố ông đồ, những bạn trẻ yêu nghệ thuật thư pháp bày mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ tết xưa dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai… Khách đến đây có thể xin chữ, trải nghiệm workshop tại chỗ, gửi gắm ước nguyện ngày xuân vào những câu chúc tốt lành. Và đặc biệt, điểm mới năm nay là phố ông đồ được bao phủ bởi khung tre tạo hình khối tựa như những tòa nhà cao tầng hiện đại, với màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, may mắn và năng lực dồi dào cho năm mới.
Một trong những điểm nhấn của không gian Lễ hội Tết Việt năm nay là mô hình căn nhà rất lớn của người miền Tây Nam bộ đặt ngay giữa sân 4A Nhà văn hóa. Căn nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người miền Tây với tông màu xanh chủ đạo, kết hợp cùng những khóm hoa cúc và hoa mai rực rỡ xung quanh tạo nên một điểm nhấn đặc sắc.
Chia sẻ ý tưởng về căn nhà tại không gian lễ hội, ông Phúc cho biết: “Khi chúng tôi khảo sát các làng nghề ở An Giang thì bắt gặp một ngôi nhà quá đẹp. Ngôi nhà nhìn rất yên bình, nên thơ nhưng cũng mang hơi thở thời đại. Chính vì thế, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình căn nhà này đặt ở khu vực sân khấu với mong muốn thể hiện không khí sum họp, đoàn viên của mỗi gia đình, để qua đó các bạn trẻ luôn trân trọng những khoảnh khắc đoàn viên vào dịp tết”.
Rất nhiều không gian nghệ thuật tại lễ hội
Có lẽ điều tạo nên sự thu hút của đường mai và phố ông đồ mỗi năm là việc tạo nên sự tổng hòa và đa dạng các bối cảnh, không gian, để người trẻ có thể thỏa thích chụp hình, trải nghiệm và vui chơi, với đủ đầy mọi cảm xúc.
Và để tạo nên được cảm xúc trọn vẹn đó, không thể không nhắc đến các không gian làng nghề truyền thống tại lễ hội. Năm nay, lấy cảm hứng và nét đẹp từ làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (An Giang)… các không gian làng nghề truyền thống tại lễ hội hứa hẹn sẽ thu hút sự tò mò và để lại ấn tượng đẹp với du khách.
Khu vực các làng nghề có gian bếp và nhà ngói đỏ đặc trưng của An Giang, có những chậu hoa rực rỡ sắc màu từ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)… Tất cả được sắp đặt và tạo hình khéo léo, gợi lên không gian tết yên bình với mái nhà làng quê ấm cúng, cây xanh tươi mát trong nắng vàng, cây nêu truyền thống và những ngôi nhà đoàn viên trong hạnh phúc bình dị… Những không gian này sẽ mang đến cho khách du xuân trải nghiệm mới mẻ về các làng nghề mang đậm bản sắc Việt.
Đặc biệt, làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đa dạng, từ những đêm diễn xướng dân gian Nam bộ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, đến biểu diễn lân – sư – rồng, ca múa nhạc truyền thống, ban nhạc trẻ, biểu diễn thời trang… Những hoạt động nghệ thuật này vừa đem đến không khí tết của ba miền, vừa giới thiệu với khách du xuân một số di sản văn hóa phi vật thể VN được UNESCO công nhận.
Mọi người còn có thể tận hưởng không khí xuân qua việc mua sắm, khám phá những gian hàng ẩm thực đặc sắc hoạt động xuyên suốt lễ hội. Các chương trình chăm lo tết cho hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động tình nguyện cũng được tổ chức trong thời gian diễn ra lễ hội.
Với rất nhiều nét mới được đầu tư công phu, ông Nguyễn Hồng Phúc kỳ vọng: “Khi đến với lễ hội, tôi tin rằng mọi người sẽ hạnh phúc, có được niềm vui và nguồn năng lượng tươi mới của những người trẻ đang truyền cho nhau trong năm mới”.
Thời gian hoạt động của đường mai và phố ông đồ Lễ hội Tết Việt năm nay từ 15 giờ 30 ngày 13.1 đến ngày 2.2 (mùng 5 tết). Trong đó, chương trình sẽ phân thành nhiều khoảng thời gian khác nhau: không gian lễ hội bao gồm tổng hòa các hoạt động diễn ra từ 13 – 27.1 (hết 28 tháng chạp), sẽ mở cửa 8 – 22 giờ mỗi ngày; ngày 29 tháng chạp tạm nghỉ và tiếp tục đón khách từ mùng 1 cho đến hết mùng 5 tết, thời gian từ 8 – 17 giờ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/duong-mai-vo-cuc-dep-me-ly-vua-mo-cua-185250113224834669.htm