Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thúc đẩy giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc lên mức cao mới. Tuy nhiên, điều này khiến NDT đối mặt với lời đe dọa áp thuế từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ đang được hưởng lợi từ các thỏa thuận song phương giữa Nga và Trung Quốc. (Nguồn: CNBC) |
Khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga do chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine hồi tháng 2/2022, họ vô tình tác động tới giao dịch bằng đồng USD, Euro và các loại tiền tệ khác.
Các ngân hàng Nga bị chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương bị đóng băng. Điều đó buộc Moscow phải chuyển số dự trữ còn lại của mình sang các loại tiền tệ không do phương Tây kiểm soát, bao gồm cả đồng NDT.
Mới đây, tờ báo kinh doanh của Anh Financial Times (FT) trích dẫn dữ liệu từ Cục quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) đưa tin, các thỏa thuận năng lượng của Điện Kremlin với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp các giao dịch quốc tế bằng đồng NDT đạt mức cao kỷ lục.
NDT hưởng lợi
Số lượng giao dịch song phương sử dụng đồng tiền Trung Quốc đã tăng 1/3 vào tháng 7/2024, lên 53% từ mức 40% so với tháng 7/2021.
Theo FT, năm 2010, 80% giao dịch thương mại ra nước ngoài của Trung Quốc được thực hiện bằng USD, nhưng con số đó đã giảm một nửa kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có hiệu lực năm 2022.
Maia Nikoladze, Phó giám đốc Trung tâm địa kinh tế của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council nhận định: “Giao dịch bằng đồng NDT rất tiện lợi cho cả Nga và Trung Quốc. Moscow không có quá nhiều lựa chọn tiền tệ khác, trong khi Bắc Kinh hưởng lợi bởi nước này đang tiến triển trong việc quốc tế hóa đồng NDT”.
Các giao dịch bằng đồng NDT đang được hưởng lợi từ các thỏa thuận song phương giữa Moscow và Bắc Kinh. Phía Nga cũng tăng lượng nắm giữ đồng tiền Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, các tổ chức tài chính của Moscow bắt đầu phát hành trái phiếu bằng NDT.
Các quốc gia khác – đặc biệt là nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) – cũng ngày càng quan tâm đến đồng nội tệ Trung Quốc.
Lãnh đạo các quốc gia trong BRICS đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung để tạo ra một hệ thống tài chính đa cực và ít phụ thuộc hơn vào đồng USD.
Ông Hanns Gunther Hilpert, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (SWP) cho biết, nhiều quốc gia ở Nam bán cầu bày tỏ lo ngại về động thái đóng băng dự trữ của Nga của phương Tây.
Ông nhận định: “Có thể họ sẽ gặp vấn đề với Mỹ trong tương lai và dự trữ của họ cũng có thể bị đóng băng. Vì vậy, các quốc gia này đang dần chuyển hướng khỏi đồng USD”.
Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump coi việc phi USD hóa là mối đe dọa lớn đối với sức mạnh của đất nước đến mức tại một cuộc vận động tranh cử gần đây, ông đã đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia từ chối sử dụng đồng tiền này nếu ông trở thành Tổng thống.
Ông Trump tuyên bố: “Nhiều quốc gia đang từ bỏ USD. Nếu từ bỏ USD, bạn sẽ không thể làm ăn với Mỹ vì chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với hàng hóa của bạn”.
Đồng Nhân dân tệ vẫn chưa thể ‘nổi sóng’ trong giỏ tiền tệ quốc tế. (Ảnh: Wang Jianfeng) |
Những quốc gia “theo chân” Nga
Bắc Kinh ký kết thỏa thuận với một số quốc gia khác để tiến hành giao dịch bằng đồng NDT.
Saudi Arabia – một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất sang Trung Quốc – đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có thời hạn ba năm với Bắc Kinh vào tháng 11/2023. Thỏa thuận trị giá tương đương 6,93 tỷ USD (tương đương 6,26 tỷ Euro).
Thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong thị trường năng lượng toàn cầu, vốn trước đây do đồng USD thống trị.
Mặc dù việc chuyển hoàn toàn sang định giá bằng NDT cho tất cả các giao dịch bán dầu của Saudi Arabia là không thể xảy ra trong ngắn hạn, nhưng thỏa thuận này cho phép cả hai nước bắt đầu thử nghiệm mà không làm gián đoạn các hoạt động thương mại hiện có.
Những quốc gia khác như Brazil, Iran, Pakistan, Nigeria, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiến hành nhiều giao dịch bằng đồng NDT hơn.
Trong trường hợp của Iran – các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây đã buộc Tehran phải tiến xa hơn vào phạm vi ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu từ công ty phân tích thương mại Kpler cho thấy, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã mua 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran vào năm ngoái. Ngược lại, Tehran nhận được thanh toán bằng đồng NDT cho dầu của mình thông qua các ngân hàng nhỏ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Argentina – quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc, đồng thời gánh chịu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng USD để thanh toán cho hàng nhập khẩu, trả nợ và ổn định đồng Peso. Bằng cách thanh toán NDT, quốc gia Mỹ Latinh này phần nào giảm áp lực với nguồn dự trữ quốc tế.
NDT chưa thể “nổi sóng”
Mặc dù có nhiều động thái của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa, đồng NDT vẫn chưa thể “nổi sóng” trong giỏ tiền tệ quốc tế – điều mà các chuyên gia cho rằng rất quan trọng để trở thành một loại tiền tệ dự trữ.
Ông Hilpert cho rằng, việc trở thành một loại tiền tệ dự trữ có thể sẽ phải “đi kèm với một cái giá”, đó là sự bất ổn về chính trị và kinh tế.
Với NDT, theo ông, đồng tiền này có thể phải đối mặt với làn sóng đầu cơ – điều mà người Trung Quốc lo sợ.
Nhìn lại những gì đã xảy ra với Thái Lan và Hàn Quốc, ông Hilpert cho hay, vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, đồng Baht và Won đã mất hơn một nửa giá trị so với USD. Thời điểm đó, hai nước này đã buộc phải tìm kiếm sự cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Ông Nikoladze nhận thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì các biện pháp kiểm soát vốn hạn chế dòng vốn tự do vào và ra khỏi đất nước. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp NDT phát huy tiềm năng trở thành một loại tiền tệ trong thương mại toàn cầu.
Hồi tháng 1/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định tham vọng đưa nước này trở thành một cường quốc tài chính và cho rằng, hệ thống tài chính của đất nước khác biệt với các mô hình phương Tây.
Dù vậy, hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức như mức nợ doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền địa phương cao, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng và thị trường bất động sản lao đao.
Theo đó, giới chuyên gia đánh giá, cho tới nay, USD vẫn là loại tiền tệ dự trữ lớn nhất thế giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/duoc-phuong-tay-day-thuyen-nhan-dan-te-huong-loi-bat-ngo-ong-trump-de-doa-cac-nuoc-tu-bo-usd-286095.html