Dùng nước mắt giáo dục trẻ em, lợi bất cập hại ?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên06/02/2025

Việc một số diễn giả đến trường học và cố tình lấy nước mắt học sinh bằng những câu chuyện buồn, thậm chí quay phim lại để làm bằng chứng cho sự thành công của buổi nói chuyện đang gây nhiều tranh cãi.


Từ nhiều năm nay, hình ảnh hàng loạt học sinh (HS) rơi nước mắt khi nghe diễn giả kể câu chuyện gì đó cảm động về cha mẹ đã không còn xa lạ. Có diễn giả còn mời HS đứng trước toàn trường để thị phạm, hỏi em tên gì, bao lâu rồi em không tặng mẹ một món quà, nói với cha lời cảm ơn.

KHÔNG NÊN LẤY NƯỚC MẮT LÀM THƯỚC ĐO HIỆU QUẢ CỦA GIÁO DỤC CẢM XÚC

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ICS, nhà sáng lập Hệ thống trường mầm non - ngoại khóa TOMATO, khẳng định tín hiệu vui là những năm gần đây việc giáo dục đạo đức và kỹ năng cho HS ngày càng được coi trọng. Nhà trường và các bậc cha mẹ nhận ra rằng chỉ cung cấp kiến thức mà không giáo dục các em về lòng trắc ẩn và nhân cách sống sẽ tạo ra những thiếu hụt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Những kỹ năng như sự đồng cảm, lòng kiên nhẫn, hay khả năng giải quyết mâu thuẫn là những yếu tố không thể thiếu để HS có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, bà Phương rất băn khoăn khi nhiều trường học hiện nay ưa chuộng hình thức mời các diễn giả về trường nói những câu chuyện xúc động sao cho HS rơi nước mắt hàng loạt.

Dùng nước mắt giáo dục trẻ em, lợi bất cập hại ?- Ảnh 1.

Làm học sinh khóc, đó có phải cách giáo dục hiệu quả?

"Mặc dù việc chạm đến trái tim của HS là rất quan trọng, vì nếu các em không cảm nhận được lý do sâu xa và hiểu rõ tại sao mình cần phải sống theo những giá trị đó, thì các em sẽ không có đủ động lực để biến chúng thành hành động. Nhưng theo tôi, rất không nên lấy nước mắt làm thước đo cho hiệu quả của giáo dục cảm xúc. Bởi vì thước đo thực sự cuối cùng của một quá trình giáo dục phải là sự thay đổi thực sự trong hành động và suy nghĩ của mỗi HS, chứ không phải việc các em khóc hay không. Không khó để khiến HS rơi nước mắt bằng những câu chuyện bi thương hay các tình huống cảm động, nhưng điều quan trọng là làm sao để HS có thể chuyển từ những giọt nước mắt ấy thành hành động thực tế và ý thức lâu dài", bà Phương nói. Đồng thời, theo bà, trong thực tế, những thay đổi trong nhân cách và kỹ năng sống của HS không dễ dàng diễn ra ngay lập tức sau một bài nói chuyện ngắn mà cần thời gian để thấm sâu vào mỗi em và cần nhiều hoạt động củng cố sau đó để tạo sự chuyển hóa bền vững. Quá trình này không thể gượng ép, không thể vội vàng được…

XÚC ĐỘNG LÀ ĐÁNG QUÝ, NHƯNG…

TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục, cho rằng sự xúc động chân thành trước những chân giá trị của đời sống luôn là điều đáng quý và cần gìn giữ. Phần lớn các chương trình nêu trên đều truyền tải thông điệp tích cực tới HS, trong đó đề cao tình cảm gia đình, giáo dục lòng biết ơn và trách nhiệm đối với cha mẹ. Đây là những giá trị đạo đức quan trọng cần giáo dục cho HS, đặc biệt trong bối cảnh con người ngày càng xa cách với gia đình do ảnh hưởng của công nghệ và đời sống hiện đại. Thế nhưng cần phải phân biệt nó với những thứ tình cảm bồng bột kiểu "lên đồng".

Theo TS Nam, tâm lý học đã nghiên cứu hiện tượng "tâm lý đám đông" và kết quả cho biết khi ở trong đám đông, con người thường có xu hướng hòa nhập với tập thể và mất đi ý thức cá nhân. Điều đó khiến nhiều người có thể thực hiện những hành vi phấn khích, khác thường, mà họ có thể không làm khi ở một mình. Khi người xung quanh cùng biểu hiện cảm xúc cao độ trước một sự vật, hiện tượng thì cảm xúc đó nhanh chóng lan truyền và tác động lên tất cả thành viên đám đông. Sóng cảm xúc lan truyền, phản hồi qua lại, kết hợp và cộng hưởng giống như sóng trên mặt nước. Hiệu ứng đám đông càng mạnh khi thành viên là những người chưa có nhiều kiến thức, ít trải nghiệm, chẳng hạn như các HS.

Ông Nam nêu quan điểm: "Nhiều người đã lợi dụng cơ chế sao chép cảm xúc của đám đông để thao túng cảm xúc và điều khiển hành vi của người khác. Mục đích của việc này có thể tốt hoặc xấu, có thể mang lại lợi ích hoặc gây ra tác hại, phụ thuộc vào tình huống và bối cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lợi dụng cảm xúc là một việc làm phản giáo dục".

Dùng nước mắt giáo dục trẻ em, lợi bất cập hại ?- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, không nên khuyến khích triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống dưới hình thức làm HS khóc đồng loạt trong các trường học

NƯỚC MẮT CỦA BẤT CỨ AI ĐỀU CÓ Ý NGHĨA

Bà Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho rằng nước mắt của bất cứ ai đều có ý nghĩa. Với người trưởng thành, trong một số cuộc trò chuyện, nước mắt có thể khơi gợi cảm xúc, tạo sự đồng cảm giữa người với người. Với trẻ em, đôi khi nước mắt cũng có thể giúp trẻ nhận ra bài học trong ứng xử ở gia đình, lẽ phải, bài học của người làm con. Tuy nhiên, phương pháp này nếu không cẩn trọng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, trẻ có thể bị tổn thương tâm lý. HS trong giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý đang thay đổi, ở một số trường hợp lại bị diễn giả mời đứng lên trước hàng trăm HS khác để thị phạm, lấy ra làm ví dụ về việc không quan tâm hay không biết ơn cha mẹ thì sau đó em này có thể xấu hổ, tổn thương, bị bạn bè trêu chọc, chế giễu. Điều này có thể gia tăng nguy cơ bị cô lập, bắt nạt học đường, dần dần khiến các em mất niềm tin ở người lớn. "Trong giáo dục, kể cả từ bậc giáo dục mầm non, điều cấm kỵ là thị phạm trên trẻ em", bà Chi nhấn mạnh.

Còn theo TS Nam, việc giáo dục bằng nước mắt có thể làm suy giảm giá trị của thông điệp. Rất nhiều HS sau cơn xúc động cấp tính, khi tỉnh lại thì có cảm giác bị dẫn dắt, bị lừa, có thể nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Do đó, theo ông Nam, không nên khuyến khích triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống dưới hình thức làm HS khóc đồng loạt trong các trường học. (còn tiếp)

Học sinh, giáo viên nói gì ?

Nếu một diễn giả nào đó làm cho em khóc, em nghĩ đó cũng là thành công vì họ đã chạm tới trái tim, đánh thức cái gì đó trong em, nhưng không phải những người không làm em khóc thì buổi nói chuyện đó vô ích. Em nghĩ rằng nhiều HS bình thường chỉ dám khóc thầm, nhưng tới buổi nói chuyện, họ được khóc công khai, khóc cùng nhiều người khác nữa, thì cũng chưa hẳn là xấu. Có thể bạn đó khóc không phải vì đau thương mà đang khóc vì hạnh phúc thì sao? Hãy cứ khóc vì bản thân mình còn rung động, chưa chai sạn. Tuy nhiên em nghĩ rằng khóc chỉ là một biểu hiện cảm xúc ban đầu, và diễn giả nên dừng việc làm HS khóc ở một "level" (cấp độ) nào đó. Ví dụ có lúc xúc động, lúc vui vẻ, tích cực, chứ đừng từ đầu đến cuối chỉ thấy khóc đau thương, như vậy quá tàn nhẫn. Em cũng nghĩ là với HS, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cần giải pháp lâu dài và một hành trình, chứ không chỉ 1 - 2 buổi nói chuyện...

Lê Nguyễn Uyên Thư (HS Trường THPT Trung Phú, H.Củ Chi, TP.HCM)

Lạm dụng cảm xúc trong giáo dục trẻ em có thể gây nhiều tác hại. Việc liên tục khơi gợi những câu chuyện buồn, hình ảnh đau khổ có thể vô tình tạo ra sự neo cảm xúc tiêu cực trong tâm trí HS. Các em có thể bị ám ảnh bởi những câu chuyện này dẫn đến lo âu, sợ hãi, thậm chí là trầm cảm. Một số diễn giả thường sử dụng những câu nói mang tính chất buộc tội như "Các em sung sướng mà không biết trân trọng", "Ba mẹ hy sinh vất vả như thế nào mà các em hư hỏng"... Những câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ về bản thân, ảnh hưởng đến sự tự tin và phát triển tâm lý lành mạnh của trẻ.

Thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền (Giáo viên lớp viết văn sáng tạo)

Tôi lo ngại việc nhiều người quay, chụp, sử dụng video HS khóc lóc khi nghe diễn giả nói chuyện rồi đăng tải trên các kênh YouTube, TikTok, mạng xã hội. Như vậy là vi phạm quyền riêng tư của các em.

Chị Phương Anh (phụ huynh ngụ Q.8, TP.HCM)



Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-nuoc-mat-giao-duc-tre-em-loi-bat-cap-hai-185250205182819256.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available