Nghiên cứu về JOMO (Joy of Missing Out) chỉ mới nổi lên gần đây và tập trung vào tác động của mạng xã hội.
Tuy nhiên, mỗi người đều có thể trải nghiệm cảm giác JOMO trong đời mình bằng cách chọn thời điểm chúng ta muốn bỏ qua. JOMO có thể khiến ta cảm thấy nhẹ lòng hơn vì nó giúp ta không còn bận tâm quá nhiều đến người khác.
Mạng xã hội làm trầm trọng FOMO
Tali Gazit, phó giáo sư khoa học thông tin tại Đại học Bar-Ilan của Israel, giải thích: “JOMO khiến ta không những không sợ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, mà còn thực sự thích thú với trải nghiệm này.
Chúng ta có mặt ở đây và bây giờ, tận hưởng những gì mình đang làm hiện tại mà không cần nhìn trái, nhìn phải và ghen tị hay lo lắng vì đã bỏ lỡ điều gì đó”.
Nỗi sợ hãi trong FOMO (Fear of Missing Out) là một nỗi sợ xã hội. Con người đã gặp vấn đề này kể từ khi nhận ra có những cơ hội bị bỏ lỡ, niềm vui không có được và cảm giác phải bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên sự nổi lên của mạng xã hội đã khiến FOMO nảy sinh trong ý thức và cuộc trò chuyện hằng ngày.
Chris Barry, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Washington, cho biết FOMO tồn tại trước khi mạng xã hội xuất hiện, nhưng khi ấy nó không phải là một phần nổi bật trong trải nghiệm của chúng ta.
Với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta liên tục nhìn thấy những khoảnh khắc nổi bật trong cuộc đời của mọi người – và bắt đầu tự so sánh. Nghiên cứu cho thấy mức độ FOMO cao có liên quan đến lòng tự trọng thấp, mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp và cô đơn hơn.
“Chúng ta tiếp xúc với nhiều người mà ta không thực sự biết câu chuyện của họ, nhưng mọi thứ trông thật tuyệt vời trong trải nghiệm sống của người khác”
Tali Gazit, phó giáo sư khoa học thông tin tại Đại học Bar-Ilan, Israel
Hạnh phúc của việc ngắt kết nối
Ngày 4-10-2021, trong vài giờ, Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp ngừng hoạt động, làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỉ người. Nhưng đó cũng là giây phút hiếm hoi mọi người cảm nhận được niềm vui của sự giải phóng.
Việc gián đoạn như một thử nghiệm tự nhiên và tình cờ về cảm xúc của chúng ta khi rời xa mạng xã hội. Hầu hết các nghiên cứu đều dựa vào việc yêu cầu mọi người giảm sử dụng điện thoại thông minh và máy tính.
Gazit cho biết việc ngừng hoạt động gây khó chịu cho người dùng, nhưng các nhà nghiên cứu quan tâm đến hành vi của con người lại xem đó là một món quà.
Trong hai ngày sau khi người tham gia thí nghiệm ngừng sử dụng các phương tiện, Gazit cùng cộng sự đã mời 571 người lớn trả lời bảng câu hỏi đánh giá cảm nhận của họ về trải nghiệm này.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ nhận về các kết quả báo cáo cảm giác căng thẳng và FOMO, điều họ đã được nghe rất nhiều. FOMO có mối tương quan đáng kể với cảm giác căng thẳng và mức độ sử dụng mạng xã hội của mọi người.
Thật bất ngờ, nhiều người đã chia sẻ về cảm giác nhẹ nhõm và niềm vui khi không kết nối với mạng xã hội hay cập nhật thông tin về hoạt động của những người xung quanh. Một số thậm chí còn đề cập trực tiếp đến JOMO, vốn đã xuất hiện trong cộng đồng nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng cho đến gần đây.
“Phần lớn mọi người thực sự thích thú và tập trung cho các công việc như nói chuyện với đối tác, bạn bè và làm mọi việc như nấu ăn, chơi thể thao”, phó giáo sư Gazit nói.