Giáo dục cần phải tập trung vào việc bồi dưỡng và vun trồng nhân cách hơn là đo lường bằng điểm hay bằng…
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Không có chuyện “học tài thi phận”
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng. |
Nhiều người cho rằng, thi cử được xem là bước ngoặt đối với đời học sinh, nhất là các kỳ thi chuyển cấp, thi vào các trường đại học, cao đẳng.
Gia đình tôi quan niệm, kết quả học tập tốt của các con là hạnh phúc của cả nhà. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu cũng cố tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của con cái. Lân Hiếu thi ba trường đại học đều đỗ, Nữ Thảo đoạt huy chương trong kỳ thi quốc tế. Các cháu nội và ngoại của tôi hiện đều học giỏi và ngoan ngoãn.
Theo tôi, phụ huynh không nên ép các cháu phải thi vào những trường không hợp nguyện vọng, nhưng cũng nên khuyên các cháu cần liệu sức khi chọn trường. Ví dụ, có năng khiếu ngoại ngữ đâu nhất thiết phải chọn học tiếng Anh – nơi có quá nhiều người dự thi? Các ngoại ngữ khác đâu phải không có nhu cầu đào tạo? Càng nên dựa vào nguyện vọng của các cháu chứ không chỉ nên chọn ngành nào mình quen biết để hy vọng có sẵn chỗ làm sau khi tốt nghiệp. Học ngành không yêu thích, hoặc chạy theo số đông là hại các cháu.
Học lực thế nào thì kết quả thi thế ấy, không có chuyện “học tài thi phận”. Các cháu nên đọc thêm các sách tham khảo có liên quan, nhất là dành nhiều tâm lực để học giỏi ngoại ngữ. Các thầy cô dạy ngoại ngữ chớ nhồi nhét ngữ pháp khiến các cháu học mãi vẫn không nói được, không đọc được.
Làm sao để các cháu thấy niềm vui trong học tập và luôn đủ sức khỏe để học tập tự nhiên sẽ đạt kết quả tốt. Hơn nữa, sự thấu hiểu của cha mẹ và tình thương yêu trong gia đình rất quan trọng đối với kết quả học tập của con cái. Học hành gắn liền với sức khỏe, bù đầu học đến mức suy sụp sức khỏe thì quá tai hại. Bởi việc học là chuyện suốt đời, phải khỏe và vui thì mới có kết quả tốt.
Nên kể hoặc tìm cho các cháu đọc những tấm gương vượt qua thử thách để thành công trong học hành và cống hiến. Quản lý thời gian của con để có sự cân đối giữa học tập và nghỉ ngơi, giải trí. Tất cả không thể thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Tuy nhiên, trên hết, luôn nhớ rằng giàu có không gì bằng giàu trí tuệ, giàu ý chí và giàu lòng thương yêu.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Vững vàng trước “cơn bão” thi cử
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh. |
Không nên đo lường giá trị của con qua điểm số. Sự trưởng thành về thể chất, về cảm xúc, về nhân cách của con thì sao? Giá trị sống, lý tưởng sống của con thì sao? Còn biết bao nhiêu thành tích khác đã không thể hiển lộ qua những con số sơ giản. Còn bao nhiêu trải nghiệm, bài học mà con đã không ngừng học được trong cuộc đời của mình – những cái không đo được bằng điểm số. Còn bao nhiêu niềm vui và những việc tốt lành mà con từng mang lại cho người khác, cũng không đo lường được bằng các con số. Không thể nói một đứa trẻ 10 điểm sẽ đáng giá hơn một đứa trẻ 2 điểm.
Thế nên, nếu chỉ đo toàn bộ sự trưởng thành của trẻ bằng những điểm số của thi cử, thì thực sự phiến diện, nông cạn và mù quáng. Thất bại hay thành công trong cuộc sống chẳng qua chỉ là một quy ước. Đằng sau những thứ chúng ta định nghĩa là thành công hay thất bại, là rất nhiều những định kiến xã hội mà nếu không tỉnh táo, ta sẽ bị nó nhấn chìm.
Nếu chẳng may con có kết quả chưa như ý vào thời điểm này, lẽ dĩ nhiên phụ huynh có thể buồn bã, thất vọng và giận dữ, trách móc và tiếc nuối. Nhưng cũng chính vào thời điểm này, cha mẹ có thể dừng lại một chút để tự hỏi: Con mình đã học được những bài học gì trong suốt những năm đi học? Con đã trưởng thành ra sao? Những phẩm chất tốt đẹp nào đã hình thành trong con? Tiềm năng nào trong con chưa được phát huy hết sức? Làm thế nào để phát huy nó trong những giai đoạn tiếp theo? Con cần thêm những hỗ trợ gì?
Kết quả thi cử không quan trọng, nhưng nó sẽ là một dữ liệu tốt để bạn phân tích và trả lời những câu hỏi này. Khi đặt ra những câu hỏi đó, bạn sẽ nhìn mọi việc theo một cách khác, lạc quan và điềm tĩnh hơn. Đó chính là lúc cha mẹ có thể cùng ngồi xuống để chuyện trò với con, như những người lớn.
Tôi luôn cho rằng, giáo dục cần phải tập trung vào việc bồi dưỡng và vun trồng nhân cách hơn là đo lường đứa trẻ bằng điểm số. Nếu ý thức được điều này, chúng ta sẽ có đủ điềm tĩnh và vững vàng trước “cơn bão” thi cử, thảnh thơi trên hành trình làm cha mẹ.
TS. Cù Văn Trung (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục): Người trẻ hãy định vị chính mình
TS. Cù Văn Trung. |
Qua thực tế làm việc và tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi thấy không ít người trẻ lựa chọn nghề nghiệp theo thị trường, theo ý thích của cha mẹ, theo cảm xúc nhất thời hoặc theo độ “hot” của ngành… Tức là, họ chưa thực sự hiểu và định vị được chính mình. Điều này kéo theo những sai lầm trượt dài cùng năm tháng, sự lãng phí nguồn lực.
Tâm lý “sính” bằng cấp, thích con cái vào đại học, đầu tư không tiếc tiền để ôn tập, luyện thi cốt cho con mình vào được đại học đã khiến không ít tài năng bị thui chột. Nhiều học sinh có năng khiếu ở một lĩnh vực ngành nghề và có thể trở thành tinh hoa, đỉnh cao của một nghề nào đó nhưng khi phân luồng, định hướng về nghề không tốt thì khả năng thành công sẽ không cao. Họ khó lòng có thể tỏa sáng trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Trong khi, xã hội ngày càng đề cao những người có tay nghề, khả năng tác nghiệp thực tế trong công việc hơn so với người có nhiều bằng cấp nhưng thiếu thực tế, nặng tính hàn lâm, sách vở.
Khi các bạn trẻ đạt tới năng lực để trở thành người thợ cả, bàn tay vàng, là tinh hoa của nghề thì cái đẹp nó đến từ trong lao động, trong công việc. Và cái đẹp ấy có sức hấp dẫn với người đối diện. Sản phẩm của một người tay nghề cao do học hành làm ra rất có giá trị và giá trị ấy “bán” được trong một thị trường đầy cạnh tranh.