Việt Nam sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của tổ chức, cá nhân sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xã hội. (Nguồn: Internet) |
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những giải pháp quan trọng khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25). Trên tinh thần đó, Luật Báo chí năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật an ninh mạng năm 2017 và các văn bản dưới luật được xây dựng, thông qua và tổ chức thực hiện với nhiều điểm mới, bảo đảm tốt hơn các quyền này.
Việt Nam sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam đã được các thiết chế nhân quyền quốc tế như Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao trong các kỳ bảo vệ báo cáo quốc gia theo các công ước.
Thế giới ngày nay đang chứng kiến, thụ hưởng thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Internet thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của từng người. Về bản chất, Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của tổ chức, cá nhân sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Cần nhấn mạnh rằng, mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít những người nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, chỉ vì động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của xã hội, cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đối tượng và các thế lực thù địch đã lợi dụng quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet, để chống phá Việt Nam, cụ thể là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa ra những thông tin, dư luận sai lệch nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh quốc tế của Việt Nam. Những cái tên như Cù Huy Hà Vũ, blogger Mẹ Nấm, Phạm Đoan Trang, hay gần đây là Nguyễn Lân Thắng… lấy danh nghĩa là “nhà hoạt động nhân quyền” bịa đặt những thông tin sai lệch nhằm chống phá Việt Nam. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do Internet. Những thành tích ấn tượng của Việt Nam về Internet hay thực tiễn phong phú của hoạt động báo chí, xuất bản trong nước cũng như kết quả nâng cao việc hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân là minh chứng không thể phủ nhận.