Bất cập trong tính giá khám chữa bệnh theo nhu cầu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một điểm chưa thống nhất hiện nay liên quan đến việc thu giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công đó là tình trạng mỗi nơi thu một giá.
Thậm chí, cùng là bệnh viện tuyến cuối nhưng giá dịch vụ ở các bệnh viện lại vênh nhau. Có những bệnh viện, giá dịch vụ khám chữa bệnh căn cứ vào cách tính của bảo hiểm y tế nhưng có bệnh viện lại tự định giá.
Việc khác nhau về thu giá dịch vụ khám chữa bệnh dẫn tới việc Bệnh viện thu cao thì đời sống nhân viên y tế dư giả, còn nơi thu thấp thì rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Đây là điều bất cập mà nhiều người ví von rằng đang có tình trạng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” – trong thực hiện khám chữa bệnh dịch vụ hiện nay.
Một giám đốc bệnh viện công chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, sự khác nhau trên đang dẫn đến bất bình đẳng giữa các bệnh viện. Có bệnh viện được thu cao, doanh thu tăng, đời sống bác sĩ tại bệnh viện đó rất tốt. Nhưng có bệnh viện do thu ngang giá bảo hiểm y tế nên thu không đủ bù chi. Đối với người bệnh, cũng là khám do tiến sĩ trực tiếp khám nhưng nơi phải chi tiền cao, nơi chi tiền lại thấp. Việc thu chi khác nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập tác động trực tiếp tới túi tiền người dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.
Anh Nguyễn Long Bình ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc thu giá dịch vụ khám chữa bệnh mỗi nơi một giá là chưa phù hợp. Bởi, đã bệnh viện công, cùng hạng thì nên có chung mức giá để đảm bảo sự công bằng giữa các bệnh viện và quyền được khám chữa bệnh của người dân. Đồng quan điểm, chị Lê Quỳnh Anh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội nêu: Việc đưa ra giá dịch vụ khám chữa bệnh cần có căn cứ quy định thống nhất, tránh mỗi bệnh viện thu một giá dẫn tới bệnh viện vì dân mà thu thấp lại bị đổ tội là không biết làm kinh tế, không lo được cho đời sống y bác sĩ. Còn bệnh viện thu cao, dư giả kinh tế trong khi người bệnh lại “còng lưng” chịu phí.
Liên quan đến vấn đề giá dịch vụ y tế, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 càng trao quyền cho các bệnh viện hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, một trong những điểm mới, luật số 15 đã quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Các quy định của Luật đều lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Thả nhưng vẫn siết
Bàn về cách tính giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Tường Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho rằng, việc khám chữa bệnh theo yêu cầu đã hoạt động từ lâu, cũng là chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong Luật số 15 có hiệu lực 1/1/2024 cũng xác định đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động này và giao cho Bộ Y tế xây dựng các phương pháp định giá để cho các cơ sở tự quyết định.
“Đúng là có hiện tượng nhiều cơ sở y tế xác định giá khám bệnh theo yêu cầu khác nhau. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo và xây dựng Thông tư quy định mức giá khám bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Năm 2019, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư nhưng do bối cảnh dịch COVID-19 mọi thứ khó khăn nên tạm dừng chưa thực hiện” – ông Nguyễn Tường Sơn nêu.
Ông Nguyễn Tường Sơn cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng lại Thông tư khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Đây là thông tư rất quan trọng kỳ vọng sẽ sớm được ban hành. “Trong nội dung thông tư, quan điểm của Bộ Y tế khẳng định việc khám chữa bệnh cho các cơ sở công lập cung cấp phải đảm bảo theo quy định định định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Y tế ban hành cho tất cả các bệnh nhân đến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế, hay khám chữa bệnh theo nhu cầu. Chỉ có những dịch vụ phát sinh mới có cách tính khác” – ông Nguyễn Tường Sơn nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hà Anh Đức – Chánh Văn phòng Bộ Y tế chia sẻ, ông có tham gia họp liên quan đến Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Trong đó giá khám chữa bệnh theo yêu cầu có ý kiến nêu là không cần khống chế trần, kiểu ai có nhiều tiền thì trả tiền. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà Bộ Y tế thả ra, không quản lý. “Cho dù bệnh viện tự định giá nhưng cơ quan quản lý cũng phải quản lý tại sao phòng này lấy 5 triệu, phòng kia lấy 10 triệu chứ không phải cứ thu thế nào cũng được” – ông Hà Anh Đức chia sẻ.
Qua trao đổi có thể thấy, tới đây các giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được quản lý một cách toàn diện và chi tiết hơn. Không có tình trạng thả nổi việc cho bệnh viện tự định giá dịch vụ khám chữa bệnh. Người bệnh và các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được đảm bảo công bằng bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ.
Trinh Phúc