Nhiều phụ huynh thấy mắt con mình nhìn không rõ, khi đi khám phát hiện hai mắt của trẻ đều yếu, có mắt thị lực chỉ ở mức 1/10. Bác sĩ kết luận trẻ đó bị nhược thị, hay còn gọi là bệnh mắt lười, một bệnh khá phổ biến về mắt của trẻ nhưng ít được quan tâm theo dõi.
Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực ở 1 hoặc 2 mắt do bất thường trong quá trình phát triển hệ thống thị giác của trẻ. Những trẻ có thị lực dưới 7/10 hoặc có sự chênh lệch thị lực hơn 2 hàng trên bảng thị lực thì được gọi là nhược thị.
NGUY CƠ MÙ LÒA
Một bé trai 8 tuổi (ở Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cách đây 8 tháng được đưa đi khám sức khỏe thì tình cờ phát hiện mắt trái thị lực 1/10, mắt phải thị lực 7/10. Đo khúc xạ thì mắt phải bị loạn 0,75 độ, mắt trái bị viễn 4 độ kèm loạn 0,5 độ. Sau chỉnh kính, mắt phải thị lực đạt 10/10, còn mắt trái cũng chỉ 1/10. Kết luận, mắt trái của trẻ bị nhược thị nặng.
Một bé gái 5 tuổi (ở Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) nhiều tháng trước được mẹ đưa đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng khám vì hay nheo mắt và đứng gần sát tivi mới xem được. Qua thăm khám, phát hiện thị lực trẻ rất yếu, đặc biệt trẻ có tiền sử sinh non 30 tuần (nặng 1 kg). Qua đo khúc xạ, mắt phải cận 8 độ kèm loạn 3 độ, mắt trái cận 7 độ kèm loạn 2 độ. Sau chỉnh kính, thị lực mắt phải đạt 2/10, mắt trái 3/10.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Chung Toàn, Khoa Mắt – Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhi (BN) nói trên nhiều tháng qua, cho biết cả hai đều bị nhược thị nặng.
“Nhiều trường hợp với mức độ nhược thị nặng như thế này nếu không được phát hiện điều trị kịp thời thì mắt nhược thị sẽ có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Các bé cần được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn vàng, dưới 8 tuổi, khi đó hệ thống thần kinh thị giác của trẻ vẫn đang giai đoạn hoàn thiện. Việc điều trị sớm và kiên trì có thể đạt thị giác mục tiêu ở mức 8 – 10/10”, BS Toàn lưu ý.
ĐẢM BẢO ĐIỀU TRỊ TRONG THỜI GIAN VÀNG
BS Toàn thông tin thêm về quá trình điều trị: Đối với trường hợp BN 8 tuổi, được chỉ định điều trị đeo kính đúng độ, đồng thời luyện tập che mắt tốt, tức mắt phải, 6 tiếng/ngày, để kích thích mắt trái tăng cường hoạt động. Kết quả, sau 1 tháng điều trị, mắt trái bị nhược thị từ 1/10 đã được cải thiện ở mức 3/10; sau 3 tháng lên được 5/10; sau 8 tháng, thị lực đạt 7/10 và tiếp tục theo dõi tránh tái nhược thị.
Riêng đối với BN 5 tuổi, hướng điều trị là đeo kính đúng độ, chưa che mắt vì độ chênh của hai mắt không nhiều. Sau 3 tháng điều trị, thị lực mắt phải của bé đạt 5/10 và trái là 7/10. Lúc này, các BS quyết định thay đổi phác đồ điều trị: vẫn tiếp tục dùng kính nhưng kết hợp che mắt trái, tức mắt tốt, 2 giờ/ngày. “BN thực hiện các bài tập như xâu chuỗi hạt, lắp lego, vẽ tranh, ghép hình, sử dụng phần mềm tập nhược thị trên máy… để kích thích thị giác”, BS Toàn cho biết.
Theo các BS, 2 BN nói trên đều được phát hiện và điều trị trong thời gian vàng đối với bệnh nhược thị, giai đoạn dưới 8 tuổi. Thường sau 8 tuổi là qua thời gian vàng, nhưng không có nghĩa là không thể điều trị. Trên thực tế vẫn có thể điều trị, nhưng đáp ứng sẽ kém và chậm hơn nhiều. Sau 13 tuổi thì tỷ lệ đáp ứng cực thấp, thậm chí không cải thiện.
“Người nhà có thể để ý quan sát một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhược thị. Đó là trẻ thường nheo mắt, nháy mắt, dụi mắt, mỏi mắt, nghiêng đầu hoặc nghiêng cổ khi nhìn, đi lại dễ va vấp, nhìn bảng kém… Khi trẻ có những dấu hiệu này, người nhà nên cho trẻ đến BS chuyên khoa mắt để được khám và điều trị kịp thời”, BS Toàn tư vấn.
Nguyên nhân nhược thị thường là do tật khúc xạ mắt cao như cận, viễn, loạn thị, hoặc sự chênh lệch khúc xạ giữa 2 mắt lớn, gây ra nhược thị mà không được phát hiện sớm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân bệnh lý như sụp mí bẩm sinh, lác, lé hoặc đục thể thủy tinh… cản trở dẫn truyền thị giác gây ra nhược thị.
Các BS cũng lưu ý phụ huynh cần theo dõi mắt đối với những trẻ có tiền sử sinh non, đây là nhóm trẻ có tỷ lệ tật khúc xạ mắt cao hơn bình thường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-bo-qua-giai-doan-vang-dieu-tri-nhuoc-thi-cho-tre-185241120164513576.htm