Trong Chiến lược An ninh quốc gia mới được công bố, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz xác định Đức có “trách nhiệm đặc biệt” đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Reuters ngày 15-6 cho biết đây là Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Đức. Theo tờ DW, mặc dù trước đây Đức từng ban hành nhiều tài liệu chính sách liên quan tới vấn đề an ninh, song Berlin chưa bao giờ công bố một chiến lược toàn diện. Ngay từ cuối năm 2021, Chính phủ Đức đã nhất trí xây dựng “một chiến lược toàn diện hơn” trong bối cảnh Đức được cho là chưa chú trọng tới các mối đe dọa toàn cầu mới nổi.
Chiến lược An ninh quốc gia do Bộ Ngoại giao Đức chủ trì xây dựng là kết quả sau nhiều tháng tham khảo ý kiến của các chuyên gia và người dân trên cả nước. Chính phủ của Thủ tướng Scholz từng dự định hoàn tất việc soạn thảo trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tuy nhiên do trong các cuộc thảo luận nội bộ còn có nhiều ý kiến khác nhau nên tài liệu này đến nay mới được công bố.
Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh Chiến lược An ninh quốc gia đưa ra cách tiếp cận “an ninh tích hợp”, tức là xem lĩnh vực an ninh là một bộ phận của tất cả lĩnh vực khác (không chỉ có ngoại giao và quân sự) và tương tự, mỗi lĩnh vực cũng có thể đóng góp cải thiện an ninh của Đức. Tài liệu khẳng định “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đức là bảo vệ đất nước cũng như các giá trị của nước này.
Đức cam kết ủng hộ xây dựng một trật tự quốc tế tự do, trong đó tôn trọng cũng như duy trì luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, sự bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, quyền tự quyết của mọi dân tộc, các quyền con người phổ quát, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. “Là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất ở trung tâm châu Âu, Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình, an ninh, thịnh vượng, ổn định cũng như sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên”, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức nhấn mạnh.
Thủ tướng Olaf Scholz (giữa) cùng các thành viên nội các công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Đức. Ảnh: Reuters |
Tài liệu xác định môi trường an ninh của Đức đang có những thay đổi sâu sắc. Đó là trật tự thế giới “ngày càng đa cực”. Chiến tranh, khủng hoảng, xung đột tác động tiêu cực tới an ninh của Đức cũng như châu Âu. Xã hội và kinh tế Đức phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp, trong đó chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức, tấn công mạng, rủi ro về chuỗi cung ứng có chiều hướng gia tăng. “Với nền kinh tế phát triển cùng những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ tại châu Âu và trên khắp thế giới, chúng ta đang giải quyết các thách thức của thời đại với sự tự tin và lạc quan. Trong một thế giới đã thay đổi, chúng ta đang tăng cường mọi nỗ lực nhằm bảo đảm cho đất nước được an toàn và tự do”, tài liệu nêu rõ.
Chiến lược An ninh quốc gia khẳng định, an ninh của Đức không thể tách rời an ninh của các quốc gia đồng minh và đối tác châu Âu. Cam kết của Đức với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là “không lay chuyển”. Đức sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng để đạt mục tiêu mà NATO đề ra, đồng thời tăng cường đầu tư bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, năng lực an ninh mạng… Mục tiêu của Đức là bảo đảm “một châu Âu thống nhất trong hòa bình và tự do”. Đức mong muốn bảo đảm EU có thể tiếp tục duy trì an ninh, chủ quyền của khối “trong những thế hệ tiếp theo”, ủng hộ hội nhập và mở rộng EU, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các cải cách trong EU. Đức cũng tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực góp phần duy trì kiểm soát vũ khí, giải trừ và không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu.
Tờ The New York Times cho biết, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức nhìn chung nhận được sự hoan nghênh và đánh giá tích cực của nhiều nhà phân tích. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng tài liệu còn “thiếu chi tiết”, nhất là về vấn đề ngân sách để thực hiện “các tham vọng” đề ra. “Ở một mức độ nhất định nào đó, chiến lược này chưa thể liên kết giữa mục tiêu và phương thức thực hiện bởi vì không đề cập rõ ràng tới ngân sách”, chuyên gia Claudia Major tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh có trụ sở tại Berlin nhận xét.
Reuters lưu ý tới việc tài liệu không đề cập mối đe dọa nào sẽ là ưu tiên ứng phó của Đức cũng như việc Berlin không thành lập một Hội đồng An ninh quốc gia nhằm giúp thực thi chiến lược. Trong khi đó, AP dẫn lời lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz cho rằng tài liệu dài 76 trang mà Chính phủ của Thủ tướng Scholz công bố “không quan trọng về mặt chiến lược, không có giá trị, không có ý nghĩa”, được soạn thảo mà không tham khảo ý kiến các quốc gia đồng minh của Đức.
HOÀNG VŨ