Trong bối cảnh các đồng minh NATO tiếp tục từ chối lời kêu gọi gửi quân bộ binh vào Ukraine, khoảng 5.000 binh sĩ Đức đang chuẩn bị chuyển đến Litva (Lithuania) vào năm 2027. Đây là một động thái lịch sử, chứng kiến đợt triển khai thường trực đầu tiên của Quân đội Đức (Bundeswehr) kể từ Thế chiến II.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đến Bavaria thăm các quân nhân, những người sẽ bị ảnh hưởng bởi động thái này, trang Euronews đưa tin hôm 29/2.
Euronews dẫn lời ông Pistorius cho biết Đức có “kinh nghiệm triển khai quân ở nước ngoài”, bao gồm cả thông qua mô hình Nhóm tác chiến (Battle Group) của NATO.
“Tuy nhiên, các điều kiện ở đây rất khác, vì chúng ta đang nói về vài năm và trong nhiều trường hợp, quân nhân được triển khai sẽ có gia đình đi cùng”, Bộ trưởng Đức nói thêm.
Bảo vệ “mắt xích” yếu nhất
Litva là quốc gia thành viên EU và NATO nằm ở phía Đông lục địa châu Âu. Quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này có chung đường biên giới với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga và đồng minh thân cận của Moscow là Belarus.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây từ lâu đã coi Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) – phần lãnh thổ nằm kẹp giữa Litva và Ba Lan và bị chặn đầu chặn cuối bởi lãnh thổ của Nga và Belarus – là “mắt xích” yếu nhất trong thế trận phòng thủ của NATO.
Dải đất dài 60 km này có thể trở thành “điểm nóng” trong bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Nga và liên minh quân sự phương Tây.
Tình hình trong khu vực ngày càng nóng kể từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, khiến Đức tính tới việc triển khai quân thường trực tới sườn Đông của NATO nhằm hỗ trợ an ninh của Litva.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Pistorius đã đến thăm Litva để ký kết lộ trình triển khai lâu dài lữ đoàn Bundeswehr tới quốc gia vùng Baltic này. Đây sẽ là lần đầu tiên Đức đóng quân thường trực bên ngoài biên giới của mình.
“Chúng tôi đã và sẽ sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Litva Arvydas Anusauskas vào thời điểm đó, nhấn mạnh cam kết bảo vệ lẫn nhau theo Điều 5 Hiến chương NATO, quy định cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Chi tiết lộ trình đóng quân
Sư đoàn Bundeswehr sẽ bắt đầu đến năm 2025 và dự kiến đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn vào năm 2027, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Anusauskas cho biết.
Số quân Đức đồn trú vĩnh viễn bao gồm 4.800 binh sĩ và khoảng 200 thành viên dân sự, với sự phối hợp của NATO.
Berlin sẽ triển khai 2 tiểu đoàn chiến đấu từ các bang Bavaria và North Rhine-Westphalia của Đức để tạo thành nòng cốt của lữ đoàn mới ở Litva, cách biên giới với Nga chỉ 100 km.
Tiểu đoàn thứ 3 sẽ là đơn vị chiến đấu đa quốc gia của NATO, là một phần của lực lượng EFP – lực lượng quân sự răn đe và phòng thủ được triển khai ở tuyến đầu của các nước đồng minh NATO ở Bắc, Trung và Đông Âu.
Một tiểu đoàn đã có mặt ở Litva, dưới sự chỉ huy của Đức, với nhân sự luân phiên từ một số quốc gia khác.
Việc tăng viện cho Litva được chú trọng trong chương trình nghị sự trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tình huống xung đột leo thang tới Hành lang Suwalki.
Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về chi phí triển khai và duy trì quân đội ở nước ngoài, dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 30 triệu Euro mỗi tháng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho biết, khoảng một nửa số quân đồn trú ở Bavaria đã bày tỏ sẵn sàng chuyển đến Litva. Trong khi đó, Anh, Canada và Mỹ cũng đã triển khai quân tới các nước Đông Âu.
Minh Đức (Theo Euronews, DW)