Từ cam kết cung cấp 5.000 mũ bảo hiểm cho Quân đội Ukraine khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện giữa Nga và quốc gia Đông Âu, Đức hiện đang cung cấp những công nghệ quân sự tiên tiến cho Kiev – và có thể sẽ tiếp tục làm như vậy trong năm mới.
Các chuyên gia đều đồng ý: Xung đột vũ trang ở những nơi khác sẽ tiếp tục định hình cuộc sống ở Đức trong năm tới. Các vấn đề về chiến tranh và hòa bình sẽ ngày càng ảnh hưởng đến các quyết định chính trị.
Hồi chuông cảnh báo
Hơn một thập kỷ trước, Chính phủ Đức đã đưa ra quyết định có chủ ý, vốn nhắm tới triệt tiêu khả năng của Quân đội Đức (Bundeswehr) trong việc chống lại một cuộc chiến tranh trên bộ thông thường ở châu Âu.
Năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chỉ riêng Bundeswehr của Tây Đức khi đó vẫn có thể triển khai 215 tiểu đoàn chiến đấu trong tình trạng sẵn sàng cao. Ngày nay, Đức có khoảng 34 tiểu đoàn và từ “chiến đấu” dường như là một thứ gì đó xa vời đối với họ.
Bundeswehr ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu thấp đến mức khi Sư đoàn xe tăng số 10 tiến hành một cuộc tập trận vào cuối năm 2022, toàn bộ phi đội gồm 18 xe chiến đấu bộ binh Puma được triển khai của họ đều bị hỏng.
Tình trạng suy tàn của Bundeswehr đang cản trở tham vọng của Đức về đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh châu Âu và ngăn chặn bất kỳ sự gây hấn nào trong tương lai.
Nhà khoa học chính trị Christian Mölling, người đứng đầu Trung tâm An ninh và Quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, gần đây đã trình bày một báo cáo gióng lên hồi chuông cảnh báo trong giới tinh hoa chính trị ở Berlin.
Báo cáo chứng minh rằng, trong trường hợp xấu nhất, các nước NATO chỉ có 5 năm để tái vũ trang, nếu không liên minh sẽ không còn sức mạnh quân sự để đương đầu với các mối đe dọa từ phía Đông.
Ông Mölling lấy việc xây dựng cầu đường ở Đức làm ví dụ. Ông cho biết, đường và cầu ở Đức sẽ phải được nâng cấp vì nhiều công trình hiện tại không được thiết kế để chịu được trọng lượng của xe tăng và các thiết bị quân sự hạng nặng khác.
“Một chính sách quốc phòng toàn diện đòi hỏi đặc biệt là cơ sở hạ tầng dân sự và xã hội phải đủ kiên cường để chống chọi với chiến tranh”, ông Mölling nói. Điều đó có thể mang lại ý nghĩa quân sự cho quy hoạch thành phố về một cây cầu đường bộ mới, đặc biệt nếu cây cầu đó sẽ đóng vai trò chiến lược trong tình huống chiến tranh.
Vị chuyên gia nhìn thấy cơ hội trong nỗ lực sắp tới. Ông lập luận rằng, để khôi phục khả năng phòng thủ tổng thể của mình, Đức phải “đình chỉ một số quy định nhất định trong một thời gian. Trong báo cáo, chúng tôi đã mô tả nó là: Đầu tư nhiều hơn, quy định ít hơn”.
Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ
Tuy nhiên, người dân ở Đức lại gặp khó khăn trong việc đương đầu với thực tế mới. Đã gần 2 năm kể từ bài phát biểu về “Zeitenwende” (sự thay đổi của thời đại, hay bước ngoặt của một thời đại) của Thủ tướng Olaf Scholz tại Quốc hội Đức, nhấn mạnh rằng chính sách quân sự và khả năng phòng thủ của Đức một lần nữa sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Nhưng khi được hỏi về việc Đức nên cắt giảm chi tiêu ở đâu trong thời điểm kho bạc nhà nước gần như trống rỗng này, 54% người Đức tham gia cuộc thăm dò của đài truyền hình công cộng ARD đã trả lời là cắt giảm viện trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận khác, do đài truyền hình công cộng ZDF thực hiện, cho thấy hơn 70% người được hỏi cho rằng Ukraine nên tiếp tục nhận được vũ khí, hoặc thậm chí số lượng lớn hơn các thiết bị quân sự.
Ông Mölling nhận định, sự mâu thuẫn này được phản ánh ngay trong chính sách của Chính phủ Đức. “Nhiều người, đặc biệt là ở Đức, không hiểu rằng khi nói đến vấn đề quốc phòng, họ không thể chỉ đơn giản nhấn nút là xe tăng có thể lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp vào ngày hôm sau”, ông nói.
“Phải mất một thời gian rất dài trước khi những năng lực sản xuất này được hình thành. Chính phủ Đức và nhiều chính phủ trên khắp châu Âu vẫn chưa bắt được tín hiệu về bước ngoặt của một thời đại và bắt đầu sản xuất quốc phòng nhiều hơn nữa”, ông Mölling nói. “Không phải vì Ukraine cần nó, mà vì chúng ta cũng cần”.
Những thực tế này càng trở nên cấp bách hơn khi châu Âu tính đến kịch bản ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Nhiều người ở bên kia bờ Đại Tây Dương đang lo ngại rằng nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ rất có thể sẽ rút hoàn toàn khỏi NATO.
“Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ” chứ không nên đợi đến khi điều đó xảy ra, ông Moritz Schularick, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), nói với DW. Tổ chức tư vấn này là tác giả của công cụ theo dõi viện trợ tài chính và quân sự quốc tế cho Ukraine, gọi là Ukraine Support Tracker.
Bản cập nhật gần đây nhất của Ukraine Support Tracker cho thấy Berlin hiện là nhà cung cấp vũ khí quan trọng thứ hai cho Kiev sau Washington. Tuy nhiên, năng lực sản xuất quân sự của Đức vẫn chưa tăng đáng kể, như ông Mölling đã chỉ ra.
“Chúng ta chỉ đang lấp đầy những khoảng trống. Chúng ta chưa bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất cần thiết để đáp ứng thời hạn như đã được đặt ra trong báo cáo trên”, ông nói.
Minh Đức (Theo DW, Foreign Policy)