Tình trạng đánh cắp thiết bị và các dữ liệu công nghệ thông tin (CNTT), cũng như hoạt động gián điệp và phá hoại kỹ thuật số có thể gây thiệt hại cho Đức 206 tỷ Euro (224 tỷ USD) trong năm 2023.
Tình trạng đánh cắp thiết bị và các dữ liệu CNTT cũng như hoạt động gián điệp và phá hoại kỹ thuật số có thể gây thiệt hại cho Đức 206 tỷ Euro trong năm 2023. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội kỹ thuật số của Đức (Bitkom), với hơn 1.000 công ty, thiệt hại đối với nền kinh tế ước tính vượt 200 tỷ Euro trong năm thứ ba liên tiếp.
Chủ tịch Bitkom Ralf Wintergerst nhận định: “Nền kinh tế Đức là mục tiêu rất hấp dẫn đối với tội phạm mạng cũng như các thế lực thù địch. Ranh giới giữa tội phạm có tổ chức và các chủ thể do nhà nước kiểm soát rất mờ nhạt”.
Khoảng 75% số công ty được khảo sát cho biết đã trải qua các cuộc tấn công kỹ thuật số trong 12 tháng qua, giảm phần nào so với mức 84% khảo sát hồi năm ngoái.
Theo người đứng đầu Bitkom, mặc dù số công ty bị đánh cắp dữ liệu giảm nhẹ, cho thấy một dấu hiệu tích cực và các biện pháp bảo vệ đang phát huy tác dụng, nhưng lần đầu tiên có tới 52% số công ty được khảo sát lo ngại các cuộc tấn công mạng có thể đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp, tăng so với mức 45% khảo sát năm ngoái và tăng mạnh so với con số 9% năm 2021. Trong số các công ty bị tấn công, 70% đã bị đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, tăng hơn 4% so với năm trước. Tương tự, 61% công ty đã bị theo dõi thông tin liên lạc kỹ thuật số, tăng 4%.
Chủ tịch Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Sinan Selen cho hay cách phản ứng của cơ quan này trước mối đe dọa ngày càng gia tăng nêu trên là tăng cường đáng kể quan hệ hợp tác với các đối tác, phát hiện và tìm cách xử lý nhanh các cuộc tấn công, cũng như liên tục điều chỉnh các cơ chế phòng thủ.