Doanh nhân Mạc Như Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands: Đưa xơ mướp xuất ngoại
Biết tận dụng thứ bỏ đi là xơ mướp để làm quà tặng từ thuở học sinh là cơ duyên đưa doanh nhân Mạc Như Nhân trở thành người đầu tiên sản xuất và đưa sản phẩm chế biến từ xơ mướp ra nước ngoài, mang về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Mạc Như Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands. |
Dựng cơ nghiệp từ xơ mướp
Cơ duyên đến với kinh doanh của doanh nhân Mạc Như Nhân là định mệnh gắn với những quả mướp già héo úa, tưởng chỉ để vứt bỏ, hoặc có chăng được tận dụng làm làm đồ rửa bát chén. Với doanh nhân sinh năm 1980 này, những thứ bỏ đi đó lại trở thành những chiếc ví, kẹp tóc, thiệp chúc mừng… xuất khẩu.
Kể cho chúng tôi nghe về cái duyên với xơ mướp của mình, ông Nhân cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở phố núi Gia Lai, tuổi thơ gắn với những giàn mướp hương của mẹ. Năm 16 tuổi, mỗi dịp lễ, tết, bạn bè đều chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng nhau. Vì nhà nghèo, không có tiền mua quà tặng bạn, nên anh nghĩ cách tự làm những món quà từ xơ mướp.
“Hồi ấy, mỗi khi có những quả mướp già, mẹ tôi cắt ra để rửa bát chén. Trong lần cùng mẹ rửa chén, cầm miếng giẻ xơ mướp và nhìn kết cấu sợi sơ mướp, tôi nghĩ thầm rằng, có thể cắt gọn, nhuộm màu để tạo thành nhiều vật phẩm làm quà lưu niệm. Và rồi tôi bắt tay làm thử. Khi đó, đồ đầu tiên tôi làm là chiếc kẹp tóc để tặng bạn nữ cùng lớp nhân Ngày Quốc tế phụ nữ”, ông Nhân nhớ lại.
Cũng từ lần làm quà tặng từ xơ mướp được các bạn thích thú, ông Nhân phát hiện rằng, xơ mướp có độ đàn hồi cao, kết cấu tốt nhờ các thớ xơ chạy ngang – dọc. Tuyệt vời hơn, xơ mướp không bị mốc, mối, mọt, nên người sử dụng rất yên tâm vì khỏi lo xơ bị phun thuốc bảo quản. Tuy nhiên, xơ mướp lại không dễ định hình theo ý muốn, nên Nhân mất rất nhiều công nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý nguyên liệu.
– Ông Mạc Như Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands
Không ít lần, sản phẩm làm ra không đạt hình dáng thiết kế, bị phồng rộp, dày hoặc mỏng quá, nên phải hủy bỏ. Cuối cùng, ông Nhân tìm ra bí quyết là ép xơ mướp thành từng tấm lớn, rồi sử dụng chúng như miếng decal, giấy, tấm da… để tạo hình, dán thành sản phẩm. Có những sản phẩm từ xơ mướp cầu kỳ, ông phải mất vài ngày chế tác mới hoàn thiện.
“Nhưng rồi, sau một thời gian dài gắn bó với sở thích làm quà từ xơ mướp, cuộc sống với nhiều thăng trầm, tôi tạm thời gác bỏ giấc mơ xơ mướp năm nào để lao vào mưu sinh bằng đủ thứ nghề, như làm mộc, môi giới bất động sản, bán phở để có tiền sống qua ngày và lo cho gia đình”, ông Nhân nói.
Sau này, cái duyên với xơ mướp đã quay lại với ông Nhân như một định mệnh. Đó là năm 2012, trong một lần chở vợ đi mua ví, lựa mãi mà không tìm được cái nào ưng ý, ông Nhân quyết định làm tặng vợ một chiếc ví bằng xơ mướp. Ngạc nhiên từ sự tinh tế, đẹp mà không kém phần sang trọng, vợ ông Nhân đã “xúi” chồng làm và bán thử.
Nhận được gợi ý từ vợ, người đàn ông có truyền thống gia đình nghệ thuật cải lương và không hề có chút kinh nghiệm gì về mỹ thuật hay thủ công mỹ nghệ đã quyết định gom góp vốn liếng cho giấc mơ xơ mướp. Cũng từ năm này, thương hiệu Xơ mướp Vi Lâm ra đời, được lấy từ tên người con gái của ông Nhân.
Một năm sau, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands. Ông tự mày mò và bắt đầu chế biến xơ mướp thành sản phẩm thương mại bằng cách làm thử các mẫu phụ kiện thời trang, đồ gia dụng nhà bếp, rồi mang đến các hội chợ, triển lãm để bán.
“Năm 2013, tôi mang sản phẩm tới trưng bày ở một hội chợ với hy vọng rằng, với mấy ngàn người tham quan thì ít ra cũng bán được vài chục sản phẩm. Dù khá nhiều khách hàng ghé qua tham khảo, trầm trồ ngạc nhiên về những thứ làm ra từ xơ mướp, nhưng không bán được sản phẩm nào”, ông Nhân kể lại.
Ông lý giải, hồi đó, người ta thấy xơ mướp mà làm được thành sản phẩm này nọ, nên ai cũng thắc mắc về tính năng, công dụng, nhưng hầu như không ai dám thử. Chưa kể, giá của những miếng rửa chén, bông tắm, kẹp tóc… đắt gấp 4-5 lần so với các mặt hàng công nghiệp, nên cũng phần nào làm người dùng e ngại.
Tuy nhiên, ông Nhân vẫn kiên trì đeo đuổi các hội chợ tại TP.HCM, bởi theo ông, đây là cách tốt nhất để bán được hàng, hoặc chí ít là để người ta nhớ tới mình.
Ông Nhân kể: “Mình đã đeo bám các chợ phiên và dần dà cũng bán được ít sản phẩm. Khi sử dụng, thấy được chất lượng, người ta truyền tai nhau và biết đến Vi Lâm nhiều hơn”.
Đến năm 2015, Vi Lâm mở một cửa hàng tại trung tâm quận 1 (TP.HCM), nhưng do không làm tốt công tác truyền thông cũng như quản lý nhân sự, nên đã đóng cửa. Cũng từ năm này, ông Nhân bắt đầu nhận đơn hàng xuất khẩu đầu tiên với lô hàng đồ gia dụng nhà bếp sang Hàn Quốc.
Ngoài ra, Giám đốc Vi Lâm tập trung vào mảng kinh doanh online, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, hay website của Công ty, mạng xã hội Facebook.
“Vì có duyên nợ với vùng núi Tây Nguyên, nên việc tôi làm không chỉ thực hiện ước mơ từ bé của bản thân, mà còn muốn giúp bà con nông dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… có thêm thu nhập ổn định bằng nghề trồng mướp. Đồng thời, tôi quyết tâm xây dựng một thương hiệu sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường từ loại quả đặc trưng của người Việt”, ông Nhân tự hào nói.
Bằng chứng là, hiện tại, ông Nhân không chỉ thành công trên con đường tiên phong với mặt hàng xơ mướp, mà ông còn là diễn giả khởi nghiệp tại nhiều sự kiện. Ông là tấm gương, người thầy của nhiều doanh nhân trẻ về cách chế biến, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ xơ mướp.
Biến cố, trắng tay, gầy dựng và hồi sinh
Năm 2017, ông Nhân đầu tư nhà xưởng sản xuất và sử dụng hơn 30 nhân công. Việc kinh doanh bắt đầu vào guồng và mang lại lợi nhuận cũng như động lực với thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng. Việc này đã giúp Xơ mướp Vi Lâm định vị được thương hiệu trên thị trường hàng tiêu dùng trong và ngoài nước, với 80% sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
“Nhưng rồi, biến cố lớn xảy ra với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands. Tháng 2/2022, xưởng sản xuất cháy rụi, không chỉ đốt sạch nguyên liệu, máy móc, mà một số tài sản cá nhân như xe cộ cũng chìm trong biển lửa. Vợ chồng tôi gần như trắng tay”, ông Nhân ngậm ngùi nhớ lại.
Thời gian đó, dù mới hết dịch, nhưng đơn hàng vẫn đi đều mỗi tháng. Đùng một cái, biến cố xảy ra, máy móc cháy rụi, không còn hàng để giao và phải đền hợp đồng. Hai vợ chồng ông phải thuê đất dựng tạm lều, mua dần thiết bị và quyết khởi nghiệp lần nữa sau 1 tháng xảy ra sự cố.
“Phóng lao nên phải theo lao. Ngày trước, không có gì mình còn bắt đầu được, thì coi như bây giờ mình có thêm kinh nghiệm. Có đối tác cho giãn thời gian và có người thương mình chuyển tiền hàng trước để khắc phục. Đây là động lực để hai vợ chồng đứng dậy ngay sau biến cố”, ông Nhân kể.
Không còn vốn, ông Nhân quay lại nhận đơn hàng làm đồ nội thất, bởi mộc là nghề đầu đời của doanh nhân này. Ngoài ra, ông vay tiền để kinh doanh quán phở với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”, gầy dựng lại xưởng làm xơ mướp. Đơn hàng dần nhiều lên và ông Nhân bắt đầu thuê lại nhà xưởng để khởi nghiệp lần nữa.
Thời điểm hiện tại, ông Nhân cho biết, dù thị trường tiêu dùng vẫn chưa hồi phục mạnh như trước dịch Covid-19, nhưng gần đây, khách hàng từ Nhật Bản, EU đến tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác với Công ty nhiều hơn nhờ chất lượng.
“Có khách hàng Nhật Bản mang một mẫu xơ mướp nơi khác đến và so với sản phẩm Vi Lâm thì thấy một trời một vực. Từ đó, họ chốt đơn hàng với chúng tôi luôn. Thực ra, mình đi trước được cái lợi thế tiên phong, nhưng mình ra sản phẩm nào cũng bị copy, làm nhái. Dù chất lượng không bằng, nhưng họ làm truyền thông mạnh, nên đôi lúc, mình cũng bị lép vế”, ông Nhân ngậm ngùi.
Dù vậy, ông Nhân vẫn tự hào khi chất lượng sản phẩm Vi Lâm là thứ mà những nơi khác không thể sao chép. Bằng chứng là, các khách hàng tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á khác tin dùng và đánh giá cao đồ dùng chế biến từ xơ mướp Vi Lâm.
Theo ông Nhân, giai đoạn này, đơn hàng sụt giảm, nên doanh thu chỉ tầm 300 – 400 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu của Công ty vẫn đều đặn cả năm.
Đáng nói là, cửa hàng phở khô Gia Lai tại trung tâm TP.HCM hiện tại không chỉ nuôi ước mơ cho vị doanh nhân này, mà còn được biết đến nhiều hơn với cách kết hợp decor sản phẩm độc đáo từ xơ mướp như tranh, đèn, bảng hiệu…
Ông Nhân cho biết ý định mở rộng cửa hàng này thành chuỗi trong thời gian tới như một lời tri ân cho thương hiệu địa phương – nơi ông phát hiện ra giấc mơ về một thương hiệu xơ mướp như hiện nay.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nhan-mac-nhu-nhan-giam-doc-cong-ty-tnhh-thuong-mai-dich-vu-vinhands-dua-xo-muop-xuat-ngoai-d216453.html