(NLĐO) – Thầy luôn dạy chúng tôi đón những cảm xúc chân thật khi vào nghề, vào đời.
37 tuổi! Tôi đã rời xa ghế nhà trường, rời xa thời “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hơn một thập kỷ. Để soạn lại từng con chữ kể về một người thầy đã dạy dỗ tôi ngày còn đi học thì, thật sự, không phải là điều dễ dàng.
Thầy tôi – tài năng và đam mê
Lòng tôn kính trong tôi vẫn còn nguyên vẹn dành cho thầy cô, nhưng cảm xúc sống động chân thật nhất thì đã vĩnh viễn ở lại trong cái ôm chia tay ngày tôi rời vùng đất Vĩnh Long, lên TP HCM lập nghiệp.
Vậy chắc hẳn bạn đang thắc mắc bài dự thi này, tôi sẽ viết về ai, khi chủ đề vẫn là về một mẫu hình thầy cô có thật trong cuộc sống? Tôi xin phép được chọn một lối đi riêng để có được không gian đầy trân quý trên trang báo này, lần đầu nói ra lòng biết ơn và sự kính trọng dành cho người nghệ sĩ – người bạn – và trên tất cả những từ ngữ tốt đẹp nhất để mô tả về mối quan hệ – đó là người thầy hiện tại của tôi: Diễn viên Lê Nguyễn Tuấn Anh.
Từ tháng tư năm nay, tôi đăng ký theo học lớp Diễn viên kịch tại Sân khấu kịch Hồng Vân. Vì vào trễ vài ngày nên tôi bắt nhịp khá chậm so với các bạn khác trong lớp, thêm một lý do khác nữa khiến tôi thấy mình chậm, đó là tôi cách cách bạn cùng khóa 15 tuổi. Một khoảng cách thế hệ rất xa khi sinh hoạt cùng nhau, nhưng thầy Tuấn Anh nói rằng “Nghệ thuật không có bất kỳ khoảng cách nào cả, nhất là tuổi tác”. Câu nói đó tôi không phải chưa từng nghe qua, nhưng từ ánh mắt của thầy, tôi bắt đầu tin đó là sự thật! Cũng như cách mà thầy dạy tôi tin vào từng vai diễn trên sân khấu.
Thầy Tuấn Anh của tôi còn là một diễn viên lồng tiếng, nên giọng thầy vừa trầm ấm, vừa giàu sắc thái biểu cảm. Nói như các bạn genZ bây giờ là “bánh cuốn” lắm, nghe là bị cuốn vào câu chuyện của thầy ngay. Mỗi khi thầy thị phạm một câu thoại nào trên sân khấu, là âm điệu giọng nói cứ như “đóng đinh” vào tâm trí của tôi, về nhà cứ phải tập đi tập lại để mình có thể nói được như thầy. Có những buổi tối, thầy gác hết chuyện riêng để “tăng ca” tập cho từng bạn trong lớp, trau chuốt từng câu, từng từ, tập kỹ từng động tác để bạn nào cũng có được một vai diễn đẹp nhất trong buổi thi học kỳ. Vì tập đến tối muộn nên ai cũng đói, mấy thầy trò cùng nhau gọi cá viên chiên và trà chanh về, vừa ăn vừa tập cùng nhau.
Thầy tôi – đong đầy nghĩa tình
Có mấy lần, tôi được anh em bạn bè rủ rê tham gia góp vui những tiết mục kịch ngắn trên sân khấu, tôi thường hay “cầu cứu: “Thầy ơi, em gửi thầy kịch bản em viết, thầy chuốt bài giúp em được không?”, ngay lập tức tin nhắn trả về là “Ok ok” từ thầy Tuấn Anh. Có khi thầy còn hỏi ngược lại: “Sao chưa thấy gửi kịch bản? Tui đợi để chỉnh cho mấy bạn tự tin nè”. Những cuộc trao đổi rất đời thường, rất gần gũi, nhưng trong đó chứa đựng rất nhiều sự quan tâm của người thầy dành cho những học viên của mình, rất nhiều tâm huyết của một nghệ sĩ dành cho nghệ thuật sân khấu.
Trong “kho tàng” những câu chuyện về thầy Tuấn Anh còn có cả những khoảng trầm bối rối, khi chúng tôi làm thầy giận. Đó là lúc chúng tôi (trong đó có cả tôi nữa) không chịu tập bài nghiêm túc, bài thầy giao về nhà tập luyện thì chúng tôi lại bỏ lơ vì ưu tiên cho những việc khác trong cuộc sống, hoặc có khi vì ham vui. Cái thế giới đằng sau sân khấu có nhiều ma lực cảm xúc lắm, thật sự là rất dễ cuốn chúng tôi xa rời mục đích học hành nghiêm túc. Có một hôm, ở trên lớp, thầy giận đến mức muốn bỏ lớp đi về. Tôi nhìn thấy sự thất vọng trong ánh mắt, trong từng lời nói, thế nhưng thầy đã không bỏ lớp mà lựa chọn cho thêm chúng tôi cơ hội chấn chính lại. Tôi nhận ra rằng, thầy cô không chỉ là người giàu kiến thức mà còn là người sở hữu rất nhiều “cơ hội” để tặng cho học viên của mình, một cách không giới hạn, chỉ cần đổi lại bằng tương lai sáng lạn của người mà mình dạy dỗ.
Có lẽ, những câu chuyện tôi kể trên đây không giống cách kể về một người thầy, mà giống một người bạn đồng trang lứa hơn. Nhưng đó là cảm nhận rất chân thật, và trong tất cả những tên gọi về sợi dây liên kết giữa tôi và Tuấn Anh thì chữ “thầy” vẫn luôn là cách gọi đầu tiên mà tôi nghĩ đến, một cách trân trọng rất đặc biệt. Thầy không chỉ truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật, mà còn là người đồng hành cùng chúng tôi đưa ước mơ của mình về đích. Thầy là người giúp tôi mở rộng khái niệm về “người thầy”, mở lòng để đón nhận những cảm xúc đặc biệt khi bắt đầu bước vào thế giới nghệ thuật nhiệm màu.
Không biết mỗi lần tôi khoe “thầy ơi, nhóm của tụi em được đứng trên sân khấu diễn nè”, hay “thầy ơi, hôm nay U (cô giáo – NSND Hồng Vân) khen tiểu phẩm này có ý”… thì thầy tôi vui bao nhiêu, chứ mỗi khi chúng tôi ngồi ở hàng ghế khán giả xem thầy hóa thân thành một nhân vật nào đó trên sân khấu, chúng tôi chỉ muốn hét lên thật to “Thầy Tuấn Anh của chúng tôi đó mọi người ơi”. Đó là cảm giác tự hào vô cùng tận, vừa tôn kính, vừa gần gũi. Và đó còn có sự hâm mộ của chúng tôi dành cho thầy Tuấn Anh.
Thầy ơi, cảm ơn thầy vì tất cả!
Các vai nổi bật:
* Lồng tiếng:
Tí Ham Ăn (Làng xì trum – Phần 4 đến 8)
Uchiha Sasuke (Naruto)
Zoro (One Piece)
Elfman (Fairy Tail)
Son Goku (7 viên ngọc rồng 1986)
* Các vai diễn ấn tượng: Ông Hào trong vở “Cô Năm Cậu Mười”, Ông Năm trong vở “Suối linh hồn”
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-nguoi-thay-kinh-yeu-dua-uoc-mo-san-khau-ve-dich-196241031122146441.htm