VOV.VN – Vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa có nhiều loại nông sản như sầu riêng, bưởi da xanh… có giá trị kinh tế cao nhưng việc tiêu thụ chưa bền vững. Nâng cao chất lượng, mẫu mã nông sản, liên kết tiêu thụ, bán hàng qua sàn thương mại điện tử là những giải pháp đang được các ngành, doanh nghiệp thực hiện nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho bà con.
Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Cả huyện có hơn 3.300 héc ta cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Trong đó, có hơn 2.600 héc ta sầu riêng, 350 héc ta bưởi da xanh. Phát huy tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, huyện Khánh Sơn đã và đang tập trung triển khai Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Khánh Sơn từng bước chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, huyện chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ chỗ chỉ hỗ trợ đầu vào sang hỗ trợ cả đầu vào lẫn kết nối đầu ra…
Tháng 8/2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức thành công Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III, thu hút hơn 18.000 lượt khách, tiêu thụ tại chỗ được 130 tấn. Tại lễ hội này, các doanh nghiệp đã kết nối với các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là kênh bán hàng ổn định tránh lệ thuộc vào thương lái như lâu nay.
Ông Lê Duy Tiến, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trồng sầu riêng nếu đạt, sau khi trừ chi phí sẽ cho về thu nhập 400-500 triệu đồng. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhiều người kinh doanh. Mấy anh, chị, em lập ra doanh nghiệp kinh doanh, đi các tỉnh buôn bán tại các hội chợ. Chúng tôi đã đi Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Đắc Lắc… Mỗi ngày đi, học thêm nhiều kinh nghiệm bán sầu riêng để doanh nghiệp phát triển hơn. Trong đó có kỹ năng thu hút khách hàng tìm hiểu đến mình”.
Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, UBND huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Đó là các loại bưởi da xanh Thái Tường, Sơn Nguyên, Hiệu Linh, Việt Tấn, Minh Kiên và bưởi da xanh Ngân Nguyễn. Bên cạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, chính quyền còn hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nắm bắt kiến thức về thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường… Các doanh nghiệp đã liên kết, hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ khâu làm đất, giống cây, chăm sóc cây trồng đến thu hoạch nông sản. Đơn cử như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn đang liên kết 26 hộ, tổng diện tích khoảng 35 héc ta.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn kỳ vọng liên kết sẽ giúp nâng cao chất lượng, hình thức để tiêu thụ nông sản tốt hơn: “Xuất khẩu có rất nhiều yêu cầu ngặt nghèo nên chúng tôi xuất khẩu chưa được nhiều, chỉ chiếm 10% tổng sản lượng thôi. Để xuất khẩu tốt hơn cần có được chuỗi liên kết giữa bà con nông dân với nhà tiêu thụ, chính quyền địa phương. Qua đó, đưa về những kỹ thuật canh tác hiệu quả nhất, tạo được vùng nguyên liệu ổn định chất lượng, hình thức đạt tiêu chuẩn hơn, chúng tôi sẽ xuất khẩu được tốt hơn”.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tại tỉnh Khánh Hòa phối hợp chặt chẽ trong việc đồng hành, hỗ trợ nông dân triển khai các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chú trọng một số dự án, tiểu dự án liên quan trực tiếp người dân, nhất là hộ nông dân người dân tộc thiểu số tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Mục tiêu hướng nông dân sản xuất hàng hóa, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng và phát triển nông sản theo hướng đa dạng, độc đáo, chất lượng cao.
Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là tất yếu nhằm tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, bà con ở miền núi còn ngại tiếp cận, chưa mạnh dạn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã xuống các vườn, ruộng tập huấn theo hướng “cầm tay, chỉ việc” cho bà con nông dân miền núi.
“Sầu riêng, bưởi da xanh đã lên sàn thương mại điện tử rất nhiều. Chúng tôi huấn luyện cho các bà con dân tộc thiểu số livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, gắn kết các youtuber, tiktoker huấn luyện ngay tại vườn. Lên sàn thương mại điện tử bên cạnh việc bán hàng, bà con sẽ nhận ra tín hiệu thị trường cần mẫu mã, sản phẩm thế nào? Từ đó, bà con về tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, ông Toàn nói.
VOV.vn
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dua-sau-rieng-buoi-da-xanh-mien-nui-len-san-thuong-mai-dien-tu-post1133093.vov